Vì mục tiêu phục vụ tốt hơn
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:03, 11/07/2019
Số trường hợp đăng ký trực tuyến thành công tăng lên đồng nghĩa với việc áp lực đăng ký tuyển sinh trực tiếp đối với phụ huynh học sinh và các nhà trường giảm đi. Vì vậy, trong thời gian tới, khi các trường thực hiện tuyển sinh trực tiếp, cảnh phụ huynh phải bỏ công việc để xếp hàng nộp hồ sơ cho con mình không còn dễ thấy như cách đây 4-5 năm. Hơn nữa, tỷ lệ đăng ký tuyển sinh trực tuyến thành công tăng lên còn khẳng định mô hình này đã được phụ huynh học sinh biết tới nhiều hơn.
Đặc biệt, sự hạn chế về khả năng thao tác đăng ký tuyển sinh qua mạng của một số phụ huynh không còn là trở ngại quá lớn một khi ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các nhà trường có phương án cụ thể để hỗ trợ.
Thành công ban đầu của mô hình tuyển sinh trực tuyến trong vài năm qua có được do nhiều nguyên nhân, trong đó có hai điểm nhấn quan trọng.
Thứ nhất, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai tuyển sinh các lớp đầu cấp của mỗi năm học một cách bài bản, có giải pháp thông tin hướng dẫn phụ huynh, cũng như đầu mối liên lạc cụ thể để trao đổi thêm khi họ gặp khó khăn, vướng mắc.
Thứ hai, Cổng thông tin thực hiện dịch vụ tuyển sinh đầu cấp được thiết kế hợp lý, bao gồm những mục cần thiết như “Quy định tuyển sinh”, “Hướng dẫn đăng ký trực tuyến”, “Tra cứu kết quả tuyển sinh”, “Góp ý”… Việc này không chỉ tạo sự thuận tiện trong quá trình thao tác mà còn giúp tăng tính minh bạch, công khai và phụ huynh tin tưởng hơn vào mô hình dịch vụ công xứng đáng được nhân rộng.
Tuy vậy, công bằng mà nói thì tỷ lệ tham gia đăng ký tuyển sinh trực tuyến tại một số địa phương vẫn còn thấp so với mặt bằng chung, dù đà tiến ở những nơi này là có. Tạm bỏ qua nguyên nhân liên quan tới những trường hợp chưa có hộ khẩu, số học sinh chuyển sang học ở trường ngoài công lập…, cần xác định tiếp tục giải pháp tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của hình thức tuyển sinh trực tuyến, nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ, tính toán khoảng thời gian tuyển sinh trực tuyến hợp lý hơn nữa cho lớp đầu mỗi cấp học…
Đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Có nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra và “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tuyển sinh đầu cấp học” là một trong số đó.
Lợi ích nhiều chiều từ hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo đã rõ. Vì vậy, bài học kinh nghiệm từ mô hình tuyển sinh trực tuyến cần được tiếp tục xem xét, tìm ra điểm thích hợp để nâng cao hơn hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin nói chung trong ngành.
Trong những điểm tích cực về tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp, dù là liên quan đến công tác lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, đề ra giải pháp hỗ trợ qua mạng hay hướng dẫn phụ huynh học sinh, có thể thấy rõ ràng yếu tố con người đóng vai trò quyết định.
Có như vậy, mô hình tuyển sinh trực tuyến nói riêng hay các ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục nói chung, về lâu dài, được triển khai rộng rãi, góp phần kiến tạo một nền hành chính phục vụ nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn.