Quản lý phải đi trước một bước
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:13, 11/07/2019
Đó là một câu chuyện dài, bởi thực tế cho thấy cơ quan quản lý văn hóa vẫn loay hoay trước vấn đề nói trên. Đã có nhiều văn bản liên quan được ban hành nhưng hiệu quả quản lý còn hạn chế, một phần vì các quy chế còn “hở” mà nhiều nơi giỏi “lách”, phần vì những quy định được đưa ra chưa thể hiện được khả năng nhận diện tình huống phát sinh trong thực tế đời sống. Nói cách khác, sự chủ động, tính dự báo là khá mờ nhạt.
Tùy vào mức độ quan tâm mà câu chuyện liên quan đến danh hiệu nhan sắc nói trên có thể được gác lại, vì cơ bản là những gì cần đề cập thì đã nói rồi. Tuy nhiên, bài học từ đó thì khác, cần được nêu ra để rút kinh nghiệm chung cho các lĩnh vực khác thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chẳng hạn như vấn đề tổ chức các cuộc thi chạy, vốn đang có xu hướng “nở rộ” trong vài năm gần đây. Ở đó, vấn đề là cần đi trước một bước để quản lý, định hướng cho loại hoạt động được đánh giá là giàu tiềm năng, có lợi về nhiều mặt nếu được tổ chức bài bản, vì lợi ích chung của cộng đồng.
Các cuộc tổ chức thi chạy đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam, không như trước đây số lượng các cuộc thi có hạn, đáng kể tên có giải chạy do Báo Hànộimới, Báo Tiền Phong, Báo Hà Tây (trước đây) tổ chức. Đó là những cuộc thi chạy được tổ chức một cách bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Thể thao, chính quyền địa phương và cơ quan báo chí. Vài năm trở lại đây tình hình đã khác, các cuộc thi chạy diễn ra ở nhiều nơi, cả miền xuôi và vùng cao, chạy để rèn luyện sức khỏe đơn thuần cũng có mà mang tính khám phá, thử thách cũng nhiều. Hoạt động thể thao đấy nhưng ngày càng rõ yếu tố kinh tế, liên quan tới sự phát triển du lịch cũng như quảng bá hình ảnh điểm đến, quảng bá di sản văn hóa... Cũng khác với trước đây, ngày càng xuất hiện nhiều cuộc thi mà người tham gia phải trả tiền để được quyền tham dự. Có cuộc thi ở vùng cao, đơn vị tổ chức thu của vận động viên khoản tiền từ 9 trăm nghìn đến 4 triệu đồng - tùy thuộc cự ly chạy ngắn, bán marathon, marathon hoặc dài hơn nữa.
Phong trào chạy bộ ở Việt Nam đang lên mạnh, các cuộc thi được mở rộng cho vận động viên người nước ngoài tham gia, bao gồm cả những người hiện đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam và du khách quốc tế tới nước ta với mục đích tham gia giải chạy kết hợp du lịch văn hóa. Nói như vậy để thấy rằng, cũng như một số quốc gia trong khu vực, châu lục và thế giới mà rõ nhất là Singapore, môn chạy bộ nói riêng và thể thao nói chung ở Việt Nam đang dần trở thành “mỏ vàng” thực sự, cần nghĩ cách để bảo đảm tính quy củ trong công tác tổ chức, làm sao để các cuộc chạy diễn ra an toàn, minh bạch về nguồn thu, không làm phương hại tới công tác quảng bá du lịch và hình ảnh điểm đến.
Đầu năm nay, tại một giải chạy diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh, một vận động viên bán chuyên đã tử vong, nguyên nhân được cho là vận động quá giới hạn chịu đựng của cơ thể. Ở một số cuộc thi khác mang tính khám phá, lác đác xuất hiện trường hợp vận động viên lạc đường, khá nguy hiểm bởi nơi tổ chức thi chạy thuộc khu vực rừng núi... Những hiện tượng nói trên ít nhiều cho thấy sự bất cập trong công tác tổ chức, là tiếng chuông cảnh báo về những cuộc chạy đang được tổ chức ngày một nhiều hơn.
Thực tế cuộc sống muôn hình muôn vẻ, có những hoạt động diễn ra trong khuôn khổ luật pháp nhưng cũng có những người tìm cách “vượt rào”. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý không chỉ là kiểm tra, xử lý vi phạm mà còn là xây dựng rào chắn để bảo đảm cho mọi hoạt động diễn ra trong trật tự, bảo đảm lợi ích của các bên liên quan và của cộng đồng. Muốn đạt được điều đó thì một trong nhiều yếu tố cần có là khả năng dự báo tình huống. Nói cách khác là quản lý cần đi trước một bước để không bị động, không bối rối mỗi khi xuất hiện tình huống kiểu như “Nữ hoàng văn hóa tâm linh”.