Hành trình tái chế của phế liệu: Mặt được và những hệ lụy
Công nghệ - Ngày đăng : 07:02, 11/07/2019
Bài đầu: Lợi ích ít, ô nhiễm nhiều
Vỏ chai đựng nước, lon nước ngọt hay các loại túi ni lông, giấy, vở, sách báo cũ… bỏ đi đang được nhiều người thu gom, phân loại, bán cho các đại lý, rồi chuyển về nơi tái chế. Những thứ "rác" này đang được quay vòng, trở thành vật dụng hữu ích, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất còn thô sơ; việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, chính quyền ở một số địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ đang là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề tại các làng nghề.
Ô nhiễm từ nơi thu gom...
Nghề thu gom, tái chế phế liệu đã có từ lâu. Đây là nghề vất vả, nhưng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân. Tuy nhiên, nghề này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính người làm nghề, do nguồn ô nhiễm từ phế thải gây ra.
Theo chân chị Nguyễn Thị Hương - người có gần 20 năm thu gom phế liệu tại quận Cầu Giấy, chúng tôi thấu hiểu được nỗi vất vả của nghề này. Chị Hương cho biết, hằng ngày, chị phải đi sớm mới nhặt được nhiều phế liệu ở điểm thu gom rác trên các tuyến phố, trong ngõ, ngách, công sở... Công việc vất vả, tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh do ô nhiễm từ phế thải, thu nhập lại bấp bênh, nhưng vì "miếng cơm manh áo" chị vẫn bám nghề.
Khi đã đủ số lượng phế thải cho một chuyến xuất hàng, chị Hương sẽ bán lại cho một đại lý thu gom gần nhất. Với giá mua vào (khi đi thu gom), bán ra (bán cho đại lý) chênh lệch khoảng 500-1.000 đồng/kg tùy từng loại, bình quân mỗi ngày chị Hương thu về khoảng 100.000-120.000 đồng.
Đi cùng những người thu gom phế thải, chúng tôi tới đại lý thu mua phế liệu ở ngõ 15 Duy Tân (quận Cầu Giấy) và một số đại lý khác ở các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các điểm thu mua có mặt bằng chật hẹp, nên phế liệu được đổ ngay ra vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường.
Theo tìm hiểu, cứ 2-3 ngày/lần, các đại lý lại đóng gói phế liệu vào bao tải, buộc thành từng bó và xếp lên ô tô tải, xe máy để vận chuyển đến các làng nghề tái chế trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
...Đến nơi tái chế, sản xuất
Theo khảo sát của phóng viên, Hà Nội hiện có nhiều làng nghề tái chế phế liệu (chủ yếu là giấy, nhựa) như: Thôn Tân Triều, xã Triều Khúc (huyện Thanh Trì); phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm); thôn Từ Châu, xã Liên Châu (huyện Thanh Oai); thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa); xã Tiên Dược và Kim Lũ (huyện Sóc Sơn)... Đáng nói, các hộ trong các làng nghề này chủ yếu sản xuất trong khu dân cư, không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải.
Thâm nhập vào các cơ sở tái chế ở phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) chúng tôi thấy hàng trăm bao tải, kiện phế liệu được chất thành từng đống lớn ngay trước các xưởng, đường đi trong khu dân cư. Công đoạn tái chế chính ở đây là băm nhỏ phế liệu nhựa bằng máy, đốt nóng và xử lý thành hạt nhựa thô.
Chị Phạm Thu Hiền, phố Đại Linh cho biết, nhiều năm qua, gia đình chị phải hít thứ khói khét lẹt do việc đốt nhựa của các xưởng tái chế gần nhà gây ra. Các hộ dân trong khu phố đã kiến nghị với chính quyền địa phương khắc phục tình trạng ô nhiễm này nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Tương tự, tại làng nghề tái chế phế liệu Tân Triều (huyện Thanh Trì), vỉa hè, lòng đường biến thành nơi phơi hạt nhựa, tập kết phế liệu gây cản trở giao thông. Thôn Xà Cầu (huyện Ứng Hòa) có khoảng 800 hộ dân, trong đó hơn 150 hộ thu gom và tái chế phế liệu tại nhà (chủ yếu là tái chế nhựa).
Theo ước tính của Bí thư Chi bộ thôn Xà Cầu Nguyễn Bá Huê, mỗi ngày, các hộ dân trong thôn nhập khoảng 60 tấn phế liệu từ các địa phương khác. Hoạt động tái chế diễn ra trong khu dân cư, nước thải trong quá trình rửa phế liệu đang gây ô nhiễm nặng nguồn nước.
Trong khi đó, xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) nổi tiếng với nghề giặt bao tải và tạo hạt nhựa tái chế. Hiện 47/47 hộ gia đình làm nghề tại xã không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có bản cam kết và kế hoạch bảo vệ môi trường; 100% số cơ sở không có giấy phép đủ điều kiện xả thải vào nguồn nước, gây ô nhiễm nặng nề.
Không chỉ các làng nghề tái chế đang bị ô nhiễm, mà các làng nghề sản xuất từ sản phẩm tái chế cũng ô nhiễm trầm trọng. Làng nghề giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) là ví dụ. Ngay từ đầu làng, phóng viên đã nhìn thấy hàng chục ống khói đen nghi ngút bốc lên. Các ngả đường luôn tấp nập cảnh ô tô tải ra, vào xuất, nhập hàng. Đi sâu vào trong làng, nước thải, bụi và rác do làng nghề thải ra đường làng, ngõ xóm gây ô nhiễm trầm trọng.
Ông Nguyễn Đức Biên, Phó Chủ tịch UBND phường Phong Khê cho biết, phường hiện có 224 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy, thu hút 70% dân số làm nghề ở các công đoạn. Do mặt bằng chật hẹp, 2 cụm công nghiệp làng nghề Phong Khê 1 và 2 với diện tích trên 50ha không thể đáp ứng nhu cầu, nên nhiều hộ phải đặt cơ sở sản xuất tại nhà.
Tiếp tục tìm đến làng nghề Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) phóng viên chứng kiến những "núi" phế liệu chất cao dọc hai bên đường làng - là nguyên liệu làm nên nhiều sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Làng Minh Khai hiện có 868 hộ gia đình tham gia thu mua, phân loại, sơ chế, tái chế phế liệu nhựa, trong đó có khoảng 480 hộ trực tiếp sản xuất nhựa với công đoạn giặt, rửa, đùn, ép, tạo hạt nhựa từ phế liệu, biến làng nghề thành "công xưởng" khép kín - vừa tái chế vừa sản xuất.
Nước thải từ quá trình này không được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường với lưu lượng khoảng 7.000m3/ngày - đêm, cộng với lượng lớn rác thải làng nghề phát sinh khiến môi trường nơi đây luôn ngột ngạt.
Vấn đề nhức nhối đặt ra hiện nay là làm cách nào quản lý được nguồn nước thải đang gây ô nhiễm môi trường nặng nề tại các làng nghề tái chế phế liệu này?
(Còn nữa)