Để tiếng vĩ cầm “chạm ngõ” thế giới
Văn hóa - Ngày đăng : 17:28, 11/07/2019
Những điều không ngờ tới
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, ngay khi thông tin cuộc thi được đăng tải, Ban tổ chức đã bất ngờ khi nhận được số lượng thí sinh tham gia đông hơn dự kiến, với 64 thí sinh và nhóm thí sinh đến từ 19 quốc gia. Ban tổ chức đã quyết định tăng thêm 5 thí sinh của bảng violon với tổng số là 29 thí sinh violon và 11 nhóm hòa tấu thính phòng.
Trong số đó, nhiều thí sinh đạt thành tích cao tại các cuộc thi violon danh tiếng của quốc tế như: Queen Elizabeth 2019 tại Brussels (Bỉ), cuộc thi Tchaikovsky 2019 tại Moscow (Nga), cuộc thi tại Sendai (Nhật Bản), cuộc thi Schoenfeld tại Harbin (Trung Quốc), cuộc thi “Premio Rudolfo Lipizer” tại Gorizia (Italia)... Ngoài ra, có những thí sinh đến từ các nhạc viện danh tiếng trên thế giới như: Nhạc viện Tchaikovsky, Trường Âm nhạc Julliard, Nhạc viện Hoàng gia London, Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh, Nhạc viện Hoàng gia Bỉ...
“Nếu so với những cuộc thi violon quốc tế từng tổ chức ở các quốc gia khác, cuộc thi tại Việt Nam lần này có phần khiêm tốn hơn về giá trị giải thưởng. Tuy nhiên, Việt Nam lại có sức hấp dẫn riêng, đó là bề dày lịch sử, văn hóa. Bạn bè quốc tế cũng tò mò vì các nghệ sĩ của chúng ta phần lớn được đào tạo trong nước nhưng đã giành được không ít giải thưởng quốc tế lớn. Chúng ta tự hào vì điều đó”, PGS.TS Lê Anh Tuấn bày tỏ.
Về phía các thí sinh Việt Nam, PGS.TS Lê Anh Tuấn bày tỏ, cuộc thi trở thành ngày hội thật sự của những nghệ sĩ vĩ cầm trong nước. “Các thí sinh sẽ có cơ hội trình diễn nhiều tác phẩm trước những giám khảo danh tiếng thế giới. Đây không hẳn là một cuộc thi mà là một cuộc hội ngộ trong âm nhạc của các nghệ sĩ violon Việt Nam và quốc tế”, ông Lê Anh Tuấn nói.
Sự liều lĩnh đáng giá
Lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, nhưng cuộc thi violon quốc tế đang gây chú ý vì ban giám khảo là những tên tuổi lừng danh trong giới violon thế giới. Thành viên ban giám khảo lên tới 16 người, trong khi nhiều cuộc thi khác chỉ có 7-9 người.
NSƯT Bùi Công Duy, Phó Ban tổ chức cuộc thi, Chủ tịch Hội đồng giám khảo chia sẻ, để mời được những giám khảo uy tín hàng đầu thế giới, anh phải đánh liều đặt lời mời cách đây hơn một năm. “Trong số những giám khảo nhận lời đến Việt Nam lần này, cái tên đáng chú ý nhất là NSND Viktor Tretyakov. Ông là "tượng đài" violin được cả thế giới ngưỡng mộ, cá nhân tôi hâm mộ ông từ nhỏ. Cách đây một năm, ông làm giám khảo chấm cuộc thi Tchaikovsky tại Nga, khi ấy tiết mục của thí sinh Việt Nam do tôi hướng dẫn được đánh giá cao", NSƯT Bùi Công Duy chia sẻ.
"Tôi đã đánh liều đặt lời mời ông đến Việt Nam làm giám khảo, vì tôi biết, với một nghệ sĩ lừng danh như ông, phải đặt lịch cả năm mới có thể được nhận lời. Sau nhiều lần trao đổi, chúng tôi cũng nhận được sự đồng ý của ông, nhưng vẫn vô cùng lo lắng vì khi ấy công tác chuẩn bị cho cuộc thi vilon quốc tế lần thứ nhất tại Việt Nam vẫn còn chưa hoàn tất”, NSƯT Bùi Công Duy nói.
NSND Viktor Tretyakov từng đoạt Huy chương vàng tại cuộc thi Tchaikovsky năm 1966 và các giải thưởng cao quý khác như: Giải thưởng Lê Nin Komsomol, giải thưởng Nghệ sĩ Toàn cầu (Planet Musician) do UNESCO trao tặng. Ngoài NSND Viktor Tretyakov, dàn giám khảo “cầm cân nảy mực” cho cuộc thi violon quốc tế Việt Nam còn có sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi lớn khác như: Stephanie Chase, Vilmos Szabadi, Xi Chen, Max Levinson, Kyung Sun Lee, Honna Tetsuji....
NSƯT Bùi Công Duy tiết lộ, điều chưa từng diễn ra ở các cuộc thi quốc tế khác nhưng lại thành hiện thực tại Việt Nam, đó là các giám khảo sẽ hội tụ trong một đêm nhạc riêng vào tối 6-8. Lần đầu tiên, nhiều nghệ sĩ violon tên tuổi của thế giới sẽ cùng đứng trên sân khấu, biểu diễn những ngón đàn bay bổng, điệu nghệ để thăng hoa cùng các nghệ sĩ và khán giả Việt.
Với quy mô mang tầm quốc tế, cuộc thi âm nhạc cho violon và hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 sẽ là thông điệp mang tính đột phá, một sự thách thức hướng ra thế giới của lĩnh vực âm nhạc thính phòng Việt Nam.