Bài 5: Đầu tư hạ tầng, nâng chất lượng cuộc sống
Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 11/07/2019
Nhẹ nỗi lo “cúp điện, cắt nước”
Nhớ lại quãng thời gian 20 năm về trước, ông Nguyễn Thế Tiện (phòng 209 - H2 Khu tập thể Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) không khỏi trầm tư bởi cảnh nước sinh hoạt thiếu thốn. Ông Nguyễn Thế Tiện kể: “Thời điểm đó, nước sạch được cấp luân phiên theo khu vực, 2 ngày/lần. Mùa đông thì không lo, nhưng cứ hè đến nhu cầu sử dụng tăng cao, rất nhiều khu vực lại rơi vào tình cảnh “khát” nước sạch”. “Có nước rồi” là câu mà nhiều người thường báo cho nhau mỗi lần nghe tiếng nước từ vòi róc rách chảy về bể.
Thế nhưng, đó là câu chuyện của nhiều năm về trước. Theo ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), với nỗ lực cải thiện đời sống của người dân, thành phố đã đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn, thực hiện xã hội hóa đầu tư, chú trọng phát triển cả nguồn cấp và mạng lưới phân phối.
Nhờ vậy, tổng công suất nguồn cấp nước sạch tập trung trên địa bàn thành phố không ngừng tăng lên. Đến nay, tỷ lệ "phủ mạng" tại khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt khoảng 57,3% với gần 2,4 triệu người dân được tiếp cận, sử dụng nước sạch.
Tương tự, với điện hơn 20 năm trước cũng vậy. Ông Bùi Thanh Hùng (nhà ở ngõ 354 đường Lê Duẩn; quận Đống Đa) nhớ lại: "Nhiều khi ti vi và đèn tuýp bỗng tắt ngóm, còn bóng đèn tròn thì le lói đốm sáng. Công suất điện nhiều khi giảm đột ngột, nên nhiều gia đình có nồi cơm điện vẫn phải dự phòng nồi gang đun bếp dầu để phòng khi sự cố xảy ra. Nhưng, nay chuyện ấy đã là dĩ vãng. Nỗ lực của ngành Điện đã mang đến cho người dân sự yên tâm, tin tưởng khi sử dụng điện”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, đến nay, EVN HANOI đã có một hệ thống lưới điện quy mô hiện đại với 1 trạm biến áp 220kV, 45 trạm biến áp 110kV, tổng công suất gần 6.000 MVA; 879km đường dây 110kV; 11.707 trạm biến áp phân phối với hàng nghìn ki lô mét đường dây trên không và cáp ngầm…
Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, thành phố để EVN HANOI tập trung đầu tư phát triển lưới điện, qua đó bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho Thủ đô Hà Nội - một đô thị lớn, có mức tiêu thụ điện tăng trưởng bình quân khoảng 10% mỗi năm.
20 năm kể từ khi Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, ngành Điện Thủ đô tự hào đã bảo đảm chất lượng điện ngày càng tốt hơn để phục vụ các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.
Tạo lập môi trường sống hiện đại
Xác định vai trò giao thông đi trước mở đường, trong 2 thập niên qua, thành phố Hà Nội đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đồng thời phát huy nội lực trong việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung.
Chủ trương này đã được người dân Thủ đô đồng tình, ủng hộ. Hàng triệu hộ gia đình vì sự nghiệp mở rộng, phát triển Thủ đô đã sẵn sàng bàn giao mặt bằng, di dời đến những nơi ở mới để nhường đất phục vụ xây dựng công trình. Những "điểm nghẽn", "nút cổ chai" từng bước được xóa sổ, thay vào đó là những công trình giao thông đồng bộ, hiện đại.
Bà Nguyễn Minh Loan (phòng 510 - B3B - khu tái định cư Nam Trung Yên - quận Cầu Giấy) kể: Năm 2003-2004, gia đình bà sống ở khu dân cư ngay sát cống Chẹm (phường Phương Liên, quận Đống Đa). Đó cũng là giai đoạn thành phố đang quyết liệt triển khai dự án mở đường Vành đai 1, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa (nay là đường Xã Đàn).
"Ban đầu, câu chuyện đi hay ở luôn trở thành chủ đề chính trong mọi bữa cơm. Mất tới hai, ba tháng trăn trở, gia đình tôi là một trong những hộ dân đầu tiên tự nguyện bàn giao đất để dọn về khu tái định cư Nam Trung Yên. Bây giờ mỗi lần đi qua đường Xã Đàn to và đẹp, lại thấy vui vì mình có đóng góp một phần trong đó", bà Nguyễn Minh Loan xúc động nói.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, trong các giai đoạn vừa qua, thành phố đã huy động tổng hợp các nguồn lực, phối hợp triển khai đầu tư và hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng. Điển hình là 6 tuyến cao tốc kết nối vùng Thủ đô và một loạt đoạn tuyến Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 3,5 và Vành đai 5, tuyến đường Võ Nguyên Giáp...; các cây cầu: Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Đông Trù, Nhật Tân... đã đem lại diện mạo mới cho Thủ đô.
Cùng với đó, hàng loạt công trình cầu vượt, cầu đi bộ, cải tạo nút giao... được đưa vào khai thác đã giúp giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Từ hàng trăm điểm ùn tắc, sau nhiều năm nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay, Hà Nội chỉ còn gần 30 điểm và các điểm này vẫn đang được các cơ quan chức năng của thành phố tập trung xử lý...
Cũng trong 2 thập niên qua, việc hình thành, phát triển các khu đô thị mới không chỉ thay đổi diện mạo Thủ đô theo hướng hiện đại về không gian, mà còn giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân, tạo lập chất lượng cuộc sống tốt hơn. Cùng với đó, Hà Nội cũng tập trung phát triển các loại hình nhà ở cho đối tượng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, giải quyết nhu cầu về nhà ở của đại bộ phận người dân.
Là người từng theo sát Hà Nội trong quá trình phát triển đô thị, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: "Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Nội đã chú trọng phát triển đô thị, chủ yếu là các khu đô thị mới. Từ Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm với mô hình chung cư cao tầng có lắp đặt thang máy đầu tiên tại Hà Nội (năm 1997), đến nay, nhiều khu đô thị mới hiện đại, văn minh như: Văn Quán, Mỹ Đình, Garmuda, Ciputra,… đã hình thành, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị, giải quyết nhu cầu nhà ở và cùng với hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện đã điểm tô hình ảnh Thủ đô hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô".