3,3 triệu con lợn bị tiêu hủy vì bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Nông nghiệp - Ngày đăng : 17:18, 11/07/2019
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến ngày 8-7, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là hơn 3,3 triệu con, chiếm hơn 10% tổng đàn lợn của cả nước. Đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận là tỉnh duy nhất chưa bị bệnh Dịch tả lợn châu Phi tấn công.
Đến nay, đã có 854 xã, thuộc 226 huyện của 40 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi như: Việc tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh nhiều nơi chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật nên chưa tiêu diệt hết mầm bệnh, làm phát tán, lây lan dịch bệnh…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan theo 3 hướng sau: Dịch bệnh dễ dàng phát tán, lây lan nhanh đến các địa bàn (cấp xã, huyện) chưa có dịch; tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày; dịch bệnh xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên, các địa phương không nên quá lo ngại trước diễn biến bệnh Dịch tả lợn châu Phi nếu được tổ chức phòng chống bài bản. Trong đó, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi hiện nay. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã huy động doanh nghiệp chăn nuôi lợn, trung tâm lưu giữ giống triển khai các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống. Bộ cũng chỉ đạo và tổ chức xây dựng được 821 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chủ động nghiên cứu vắc xin, đến nay đã có kết quả bước đầu. Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa thông báo kết quả thử nghiệm có khả quan với vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Bộ chỉ đạo ngành Chăn nuôi xây dựng kế hoạch tái đàn lợn vào cuối năm nay, nhằm bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc tái đàn chỉ được thực hiện ở những cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.