Giữ vững cân đối ngân sách dù nguồn thu gặp khó
Kinh tế - Ngày đăng : 20:06, 12/07/2019
Thu ngân sách đạt khá
Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đến hết tháng 6-2019, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều đạt khá; trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 51,5% dự toán, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu ngân sách địa phương đạt 54,3% dự toán với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, còn một số khó khăn về nguồn thu, đó là khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Tiến độ những khoản thu này từ tháng 5 đến nay có cao hơn cùng kỳ nhưng có dấu hiệu chậm lại và thấp hơn so với mức bình quân chung (tương ứng đạt 46,1%, 47,3% và 48,9% dự toán).
Về chi NSNN, trong 6 tháng qua là 666,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán. Việc quản lý chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, theo đúng dự toán. Ngân sách trung ương đã sử dụng dự phòng khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ và phòng chống dịch, dập bệnh Dịch tả lợn châu Phi; xuất cấp 59,1 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ nhân dân và học sinh vùng khó khăn.
Theo Bộ Tài chính, cân đối ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm được đảm bảo. Ngành Tài chính phát hành 112,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách trung ương theo dự toán và nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố (TP) Hồ Chí Minh cho biết: “Nguồn thu NSNN gặp nhiều khó khăn và không đạt so với dự kiến. Mặc dù các khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng có xu hướng tăng nhưng là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây, đặc biệt nguồn thu đối với các doanh nghiệp bất động sản không đạt dự kiến”.
Theo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, từ nay tới cuối năm, thành phố tiếp tục quản lý khai thác nguồn thu, tăng cường công tác đôn đốc thu thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại; thu hút thêm các nguồn lực ngoài nước, khuyến khích thực hiện các biện pháp để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước…; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiên quyết điều chỉnh vốn đối với các dự án giải ngân thấp.
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình nhìn nhận: Những tháng qua, diễn biến phức tạp của bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp và hộ nông dân; hạ tầng kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố còn bất cập như sự quá tải của hệ thống giao thông; cần khắc phục tình trạng bỏ sót nguồn thu, chống thất thu thuế.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Bình kiến nghị: Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hướng dẫn nghị định về nợ của chính quyền địa phương. Hiện nay, một số dự án nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trên địa bàn đã sắp hết hạn, do đó, thành phố mong Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ sớm bổ sung vốn đầu tư công trung hạn, tăng trần nợ công hỗ trợ thành phố.
“Ngành Thuế địa phương tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đẩy nhanh giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Thành phố sẽ đánh giá các dự án, nếu dự án chậm giải ngân sẽ điều chỉnh, thu hồi, điều chuyển cho các dự án cần vốn. Trong công tác quản lý chi ngân sách, hạn chế các khoản chi phát sinh ngoài dự toán, ưu tiên các khoản chi từ lương, có tính chất lương, chi thường xuyên, chi an sinh xã hội và chi phòng chống thiên tai, dịch bệnh”, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói.
Siết chặt kỷ luật kỷ cương về ngân sách
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà Bộ Tài chính đã đạt được thời gian qua. Tuy nhiên, ngành Tài chính vẫn còn một số hạn chế phải giải quyết trong thời gian tới. Trong đó việc giải ngân, cổ phần hoá tuy có thực chất và hiệu quả nhưng vẫn còn chậm...
Phó Thủ tướng đề nghị trong thu ngân sách về dài hạn phải rà soát lại tỷ lệ động viên, tính toán điều chỉnh chính sách thu nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và tăng tỷ lệ điều tiết ở một số lĩnh vực nhằm vừa bảo đảm sản xuất, vừa bảo đảm nguồn thu, lộ trình điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT...
"Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương để làm tốt công tác quản lý thu NSNN; rà soát, nắm chắc nguồn thu; tiếp tục mở rộng cơ sở thuế; chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu, giảm bớt phạm vi và tỷ lệ quản lý thuế theo phương pháp khoán; rà soát và xác định lại các mức thuế khoán để phù hợp với tình hình thực tế", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính cần tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương về ngân sách tài chính, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm bội chi ngân sách trong phạm vi Quốc hội cho phép; rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo đúng quy định; tăng cường kiểm soát tạm nhập tái xuất, thu hút FDI một cách chọn lọc, đấu tranh quyết liệt với đầu tư chui, núp bóng, bảo vệ môi trường... Các đơn vị ngành Tài chính tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá cả, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước, dự báo sát cung - cầu, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng do thiên tai.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Những tháng cuối năm, Bộ sẽ tăng cường quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý thu ngân sách phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; phấn đấu tăng thu khoảng 5% so với dự toán.
Ngoài ra, Bộ Tài chính điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Các bộ, ngành, địa phương quản lý chi chặt chẽ, theo dự toán; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (cả vốn trái phiếu chính phủ và vốn vay nước ngoài); tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; không để phát sinh mới nợ đọng xây dựng cơ bản.
Sớm có cơ chế đưa doanh nghiệp FDI lên sàn
Báo cáo thị trường vốn 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính: Thời gian tới sẽ sớm có cơ chế để đưa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lên niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; đồng thời sẽ có phối hợp để thực hiện giám sát các doanh nghiệp này sau khi lên sàn. Hiện nay, có một số doanh nghiệp FDI đã chuyển đổi thành công ty cổ phần nhưng chưa có quy định pháp lý cụ thể về việc niêm yết/đăng ký giao dịch. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng sẽ có cơ chế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện giám sát sau khi các doanh nghiệp FDI lên sàn.