Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Có trọng tâm, bảo đảm hiệu quả
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:04, 12/07/2019
Chưa đáp ứng nhu cầu thật
Theo Bộ Tư pháp, 11 năm thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cho thấy, công tác hỗ trợ bước đầu góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và sử dụng tư vấn pháp luật của doanh nghiệp. Một số hoạt động đã nhận phản hồi tích cực là mô hình "Bác sĩ doanh nghiệp" (tại tỉnh Bắc Ninh) với mục đích chẩn "bệnh" pháp lý để "chữa" cho doanh nghiệp; thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng có mô hình "Cà phê doanh nhân", "Cà phê doanh nghiệp thứ 7" nhằm gắn kết cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp...
Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) cũng cho thấy: Thời gian qua, chỉ 51% cơ quan nhà nước được khảo sát có bố trí kinh phí thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP... Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp, thừa nhận: Các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Cục phối hợp triển khai còn nặng về tuyên truyền, chưa đúng với nhu cầu thật của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Còn theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý xếp thứ 4 trong số những khó khăn của doanh nghiệp và được xác định khó khăn hơn các vấn đề tìm kiếm nhà cung cấp; công nghệ phù hợp...
Tại hội nghị “Giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” do Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức gần đây, không ít ý kiến nêu vấn đề: Thực hiện Nghị định 66/2008/NĐ-CP, đối tượng thực sự cần hỗ trợ nhiều nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa lại ít được chú ý, trong khi doanh nghiệp quy mô trung bình trở lên thường có riêng bộ phận pháp chế để xử lý những vấn đề liên quan.
Đề cập cụ thể hơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư quốc tế H&T Nguyễn Thị Thêm (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu hết mới chỉ nhận được hỗ trợ qua việc gửi văn bản cập nhật chính sách thuế, xuất - nhập khẩu... Ngoài ra, Điều 10 Nghị định số 66/2008/ NĐ-CP đã quy định rõ trách nhiệm giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, nhưng nhiều cơ quan nhà nước khi được đề nghị giải đáp thì không hồi âm hoặc trả lời chung chung...
Hỗ trợ phù hợp mục tiêu
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động, sâu rộng đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đáp ứng đòi hỏi này, ngày 24-6-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 16-8-2019. Các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: Cung cấp thông tin, bao gồm thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có); bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp...
Tìm hiểu Nghị định 55/2019/ NĐ-CP, ông Phạm Nguyên Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Nhật Anh (có trụ sở tại Đà Nẵng) cho rằng, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phong phú hơn so với trước đây. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần có chế tài về trách nhiệm của các cơ quan liên quan, không nói chung chung.
Theo luật sư Phạm Hồng Hải (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), điểm ưu việt của Nghị định 55/2019/NĐ-CP là đã đáp ứng đúng đòi hỏi của doanh nghiệp. Đó là nhu cầu hỏi và giải đáp có trọng tâm, trọng điểm. Vì vậy, điều cần thiết là phải xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả các chương trình hỗ trợ pháp lý. Ví dụ, đối với việc giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, cần lấy tiêu chí kịp thời, trả lời cụ thể, rõ ràng để đánh giá. Từ đó, hạn chế tình trạng “ngâm” công văn hoặc lờ đi không trả lời.
Là cơ quan đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định: Năm 2019, Bộ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở yêu cầu của chính doanh nghiệp; tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp để đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự - kinh tế, lao động, doanh nghiệp và đầu tư thông qua tổ chức hội thảo, tọa đàm, đối thoại về các chuyên đề pháp luật kinh doanh cụ thể. Bộ cũng tìm hiểu kỹ nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tránh tình trạng hỗ trợ pháp lý mà người nhận ngại ngần.
“Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải chủ động tiếp cận pháp lý, phải tạo cho mình thói quen tìm hiểu pháp luật” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.
Theo Nghị định 55/2019/NĐ-CP, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời đối với vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong áp dụng chung về pháp luật trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp vướng mắc liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp, các đơn vị có thể sử dụng mạng lưới tư vấn viên pháp luật theo lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ thông qua danh sách được đăng tải trên Cổng thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ đó.