Chung tay xây dựng trường học văn hóa
Giáo dục - Ngày đăng : 07:26, 13/07/2019
Những năm trước, nhiều địa phương, nhà trường đã đưa nội dung này vào nội quy, quy định chung, nhưng đây là lần đầu tiên ngành Giáo dục có một quy tắc ứng xử đầy đủ, công khai về trách nhiệm của từng thành viên, gồm cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh. Trách nhiệm ấy không chỉ là công việc chuyên môn của mỗi thành viên, mà là những quy định chi tiết về thái độ, giao tiếp, trang phục, cách ứng xử với các mối quan hệ cụ thể... Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ nay tới năm 2020, 100% trường học trên cả nước đều phải xây dựng và thực hiện quy định Quy tắc ứng xử này.
Tại Hà Nội, dù thời điểm ban hành Quy tắc ứng xử vào dịp gần kết thúc năm học 2018-2019, song các địa phương, nhà trường vẫn dành nhiều thời gian để tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh.
Trường Mầm non Sơn Ca, quận Cầu Giấy là đơn vị đưa nội dung của quy định Quy tắc ứng xử vào quy định chung từ nhiều năm nay và liên tục cập nhật để vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vừa góp phần xây dựng nếp văn hóa học đường, giữ gìn môi trường giáo dục trong lành, tạo niềm tin với phụ huynh của trẻ bằng việc tuân thủ nghiêm các chuẩn mực đạo đức của nhà giáo. Ngoài các yêu cầu về chuẩn mực ứng xử, đạo đức, trang phục, tác phong... nhà trường còn có nhiều quy định cụ thể, như: Không gây phiền hà, sách nhiễu hoặc nhận các lợi ích bất hợp pháp từ người đến công tác, giao dịch; không trù dập trẻ; không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc...
Với mục tiêu để học sinh cảm nhận được tinh thần “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm chọn việc phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên làm nền tảng trong việc xây dựng môi trường giáo dục văn hóa. Lý giải về điều này, bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Yêu cầu nhiệm vụ và sự quan tâm của người dân với giáo dục hiện nay đòi hỏi mỗi nhà giáo không chỉ vững về chuyên môn, mà còn phải mẫu mực về phẩm chất, có năng lực sư phạm tốt, từ đó tạo sự thân thiện, gần gũi và tin tưởng. Trường học có khang trang, cô giáo có mẫu mực và thân thiện thì mới tạo sức hút để học trò thích đến trường".
Nhằm xây dựng môi trường giáo dục thân thiện và có văn hóa, theo ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên thì cần có sự cộng đồng trách nhiệm của cả phụ huynh học sinh, chứ không chỉ là nhiệm vụ của các thành viên nhà trường. Nhà trường luôn đề cao tinh thần nêu gương của đội ngũ nhà giáo để học sinh noi theo, đồng thời tạo cho phụ huynh sự tin tưởng, từ đó chung tay góp sức trong việc thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ giáo dục.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc triển khai những quy định Quy tắc ứng xử trở thành thói quen, nhu cầu của chính các thành viên nhà trường, chứ không phải là phong trào hoặc thực hiện đối phó. Em Nguyễn Văn Phúc, học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, quận Ba Đình đề xuất: "Chúng em mong muốn quy định Quy tắc ứng xử được xây dựng theo chiều hướng dễ nhớ, dễ hiểu và chỉ rõ những điều được làm, không được làm, tránh chung chung".
Còn bà Hoàng Thị Nga, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Nhật Tân, quận Tây Hồ cho rằng: Ngoài việc xây dựng các quy tắc rõ ràng, đo đếm được và khả thi thì cần có chế tài, trách nhiệm cụ thể của mỗi cấp quản lý, của nhà giáo, học sinh trong việc thực thi và giám sát. Phụ huynh học sinh cũng cần cộng đồng trách nhiệm, nghiêm túc tham gia việc thực thi và giám sát để việc xây dựng trường học văn hóa trở thành nhu cầu của chính mỗi đơn vị. Đây cũng chính là giải pháp tích cực để chủ động ngăn ngừa những hành vi tiêu cực trong môi trường học đường hiện nay.