Hà Nội: Rực rỡ lễ hội kỷ niệm 20 năm "Thành phố Vì hòa bình"
Văn hóa - Ngày đăng : 09:44, 13/07/2019
Lễ kỷ niệm là hoạt động quan trọng đánh dấu cột mốc 20 năm Thủ đô Hà Nội vươn mình phát triển trên mọi lĩnh vực để xứng tầm với danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình" do UNESCO trao tặng ngày 16-7-1999.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhấn mạnh niềm tự hào của người dân cả nước và người dân Thủ đô khi Hà Nội là Thủ đô duy nhất của châu Á - Thái Bình Dương được vinh danh là "Thành phố Vì hòa bình". Việc đón nhận danh hiệu cách đây 20 năm là sự kiện chính trị đặc biệt, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Hà Nội nói riêng, của Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu trung ương, quốc tế và đại diện UNESCO đã cùng nhấn nút khai trương website “Hà Nội - Thành phố sáng tạo”. Website là bước đi đầu tiên trong kế hoạch xây dựng hồ sơ đề cử Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Sau khi khai trương website, đại biểu Hà Nội, trung ương và đại diện UNESCO cùng tham gia thả chim bồ câu với thông điệp thể hiện khát vọng hòa bình và thịnh vượng.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố kỷ niệm 20 năm Ngày Hà Nội nhận danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình". Hoạt động diễn ra tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm với sự tham gia của 10.000 người, chia thành 10 khối diễu hành, gồm: Quốc tế, dân gian, làng nghề, tôn giáo, người cao tuổi, thể thao - nghệ thuật, công - nông - trí thức, tuổi trẻ Thủ đô, nghệ thuật đương đại... thu hút sự chú ý của đông đảo người dân Thủ đô và du khách.
Chương trình nhằm quảng bá văn hóa, con người Hà Nội, khơi dậy niềm tự hào của nhân dân Thủ đô về thành phố hòa bình. Từ đó, mỗi người dân cùng có ý thức xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, hướng tới một thế giới hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc. Ảnh: Múa bài bông nằm trong hệ thống các bản múa của nghệ thuật ca trù.
Lễ hội đường phố mang đậm màu sắc di sản, văn hóa đặc trưng của Hà Nội, nổi bật với phần diễu hành của các thiếu nữ mặc áo dài truyền thống bên xe hoa.
Tiếp đó là phần trình diễn múa hoa sen - loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao và thuần khiết, hội tụ đầy đủ ý nghĩa nhân sinh cao quý và sức vươn dậy của ý chí mãnh liệt.
Các thiếu nữ duyên dáng bên nón lá truyền thống Việt Nam. Hình ảnh những vành nón lá che nghiêng cùng tà áo dài góp phần tạo nên vẻ yêu kiều thướt tha được bạn bè năm châu ca ngợi và đã trở thành biểu tượng đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam.
Bát Tràng nằm bên tả ngạn sông Hồng là làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề làm gốm. Gốm Bát Tràng luôn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần đa dạng về chủng loại và hoa văn độc đáo.
Khối tuổi trẻ Thủ đô với sự tham gia của đông đảo thanh niên tình nguyện trong màu áo xanh truyền thống. Với lòng nhiệt huyết và ý thức trách nhiệm, tuổi trẻ Thủ đô luôn kế thừa và phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, xung kích và sáng tạo của thanh niên Việt Nam, qua đó đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô, đất nước.
Kết thúc hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố là phần trình diễn Carnival của các vũ công trong và ngoài nước trên nền nhạc sôi động. Trước đó, Hà Nội đã hai lần tổ chức lễ hội, tạo điểm nhấn cho không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo người dân và du khách.