Pháp áp thuế các công ty công nghệ lớn: Khởi đầu căng thẳng mới?
Thế giới - Ngày đăng : 06:50, 14/07/2019
Theo thông báo của Bộ Tài chính Pháp, mức thuế mới sẽ nhằm vào các công ty kỹ thuật số có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro, trong đó có ít nhất 25 triệu euro đến từ người sử dụng tại Pháp. Quyết định này xuất phát từ việc những “ông lớn” công nghệ thu được khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ cung cấp dịch vụ tại Pháp và các nước châu Âu khác, trong khi các khoản đóng thuế lại rất khiêm tốn hoặc được nộp ở nước có chính sách ưu đãi hơn.
Số liệu của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, bằng thủ thuật tối ưu hóa này, các công ty công nghệ kỹ thuật số lớn xuyên biên giới nộp thuế ít hơn các công ty khác ở châu Âu khoảng 14%.
Chính phủ Pháp tuyên bố, loại thuế mới không đặc biệt nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ mà sẽ tác động tới cả các doanh nghiệp của châu Âu và châu Á.
Tuy nhiên, khoảng 30 tập đoàn kỹ thuật số lớn, hầu hết có trụ sở tại Mỹ, bao gồm "bộ tứ" công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ là Google, Apple, Facebook, Amazon (GAFA) sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn và trực tiếp nhất từ quy định mới này.
Tỷ lệ thuế là 3% doanh thu có được tại Pháp giúp đất nước hình lục lăng thu về khoản ngân sách dự kiến là 500 triệu euro mỗi năm. Quy định này sẽ được "hồi tố" kể từ thời điểm ngày 1-1-2019.
Ngay trước khi Thượng viện Pháp thông qua dự luật này, ngày 10-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh mở một cuộc điều tra kế hoạch đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số của chính phủ quốc gia đồng minh châu Âu với lý do đây là hành vi đối xử thiếu công bằng đối với các công ty Mỹ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, cuộc điều tra được thực hiện theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, có thể kéo dài tới một năm nhằm xác định liệu chính sách thuế mới của Pháp có phải là hành động phân biệt đối xử, tạo gánh nặng làm hạn chế thương mại Mỹ và tổn hại các công ty công nghệ xứ Cờ hoa hay không.
Cũng chính điều khoản này từng được Washington viện dẫn để khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và áp thuế trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) vì cáo buộc trợ giá cho hãng sản xuất máy bay Airbus.
Không chỉ dừng lại ở cấp độ song phương, đây có thể là bước khởi đầu cho căng thẳng thương mại quy mô lớn hơn giữa Mỹ và các đồng minh EU(?). Trước khi Pháp trở thành thành viên đầu tiên áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số, EU từng có ý định tương tự song lại không đạt được sự đồng thuận do một số nước như Ireland, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan phản đối hoặc tỏ ra lo ngại trước sự trả đũa của Mỹ. Song, hiện nhiều quốc gia khác đang cân nhắc "theo chân" Pháp như Italia, Anh, Tây Ban Nha và Áo.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ tạo ra một cuộc chơi bình đẳng giữa các đại gia internet xuyên biên giới với các doanh nghiệp châu Âu. Tuy nhiên, những cuộc điều tra của Mỹ có thể dẫn đến việc đánh thuế trừng phạt hoặc hạn chế hàng hóa Pháp, kéo theo nhiều phản ứng tiêu cực khác.
Còn nước Pháp thì một mực khẳng định, trả đũa sẽ là bất hợp lý bởi nước này có chủ quyền và sẽ tự quyết định các quy tắc thuế. Hiện cánh cửa đối thoại vẫn được các bên ưu tiên và để ngỏ với hy vọng những mâu thuẫn không bùng phát thành một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương.