Vì cuộc sống tốt đẹp của người khiếm thị
Đời sống - Ngày đăng : 07:31, 14/07/2019
Sinh hoạt dưới mái nhà chung
Chỉ thị số 51-CT/TƯ với những nội dung mang ý nghĩa nhân văn đã, đang là “sợi dây” kết nối người khiếm thị trong cả nước. Từ một tổ chức hội có 6.000 hội viên, sinh hoạt ở 17 tỉnh, thành hội vào thời điểm năm 1989, đến nay, Hội Người mù Việt Nam có hệ thống tổ chức xuyên suốt từ trung ương tới xã, phường, thị trấn với mạng lưới hơn 4.000 cơ sở, gần 75.000 hội viên. Các cấp hội đã tạo điều kiện cho hơn 37.000 lượt hộ gia đình hội viên vay vốn, giải quyết việc làm; mở 909 lớp dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt, vi tính văn phòng, trồng trọt, chăn nuôi… cho gần 15.000 hội viên.
“Sinh hoạt dưới mái nhà chung, người khiếm thị được trang bị kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc, được tiếp cận với các nguồn lực trợ giúp xã hội, qua đó tìm thấy niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống”, ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam đánh giá.
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới tại hội nghị biểu dương người khuyết tật làm kinh tế giỏi, anh Phan Thành Sơn, Hội Người mù huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) kể: “Bị khiếm thị, trên hành trình đi tìm niềm tin, năm 2010, tôi được kết nạp vào Hội Người mù huyện Quảng Trạch. Tại đây, tôi đã được học chữ nổi, học nhiều nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi tạo việc làm. Sử dụng các nguồn lực trợ giúp để phát triển mô hình kinh tế trang trại, cá nhân tôi từng bước gặt hái thành công, có điều kiện giúp đỡ nhiều người đồng cảnh ngộ có việc làm”.
Nhiều năm sinh hoạt trong hội người mù, ông Nguyễn Văn Chung, Chi hội trưởng Chi hội Người mù xã Tân Dân (huyện Phú Xuyên) nhận thấy, đa số người khiếm thị thiếu thốn về đời sống tinh thần, thiếu tự tin trong giao tiếp. Vì vậy, ông Chung đã vận dụng năng khiếu nghệ thuật của mình để tuyên truyền, tập hợp hội viên, đồng thời thành lập câu lạc bộ đàn, hát dân ca.
“Bền bỉ truyền dạy nghệ thuật hát chèo và dân ca Bắc Bộ cho hội viên, ông Chung đã góp phần khơi dậy tinh thần lạc quan, vui sống trong mỗi con người”, bà Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội Người mù huyện Phú Xuyên cho biết.
Ngoài những tấm gương nêu trên, phía sau mỗi người khiếm thị, mỗi cơ sở hội, chi hội người mù khắp mọi miền đất nước là những câu chuyện cảm động về nghị lực sống, sự sáng tạo và ý chí vươn lên. Đó là chị Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa được trao những danh hiệu cao quý: “Tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”, “Gương mặt triển vọng Việt Nam”, “Công dân Thủ đô ưu tú”; sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tham gia nhiều giải thể thao dành cho người khuyết tật, giành 16 huy chương các loại, trong đó có 5 Huy chương vàng…
Nỗ lực vì tương lai tốt hơn
Tuy nhiên, trên thực tế, số người khiếm thị tham gia sinh hoạt trong tổ chức hội người mù mới đạt khoảng 7,5%, quá ít so với tổng số 1.030.000 người khiếm thị của cả nước. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người khiếm thị chưa đáp ứng được nhu cầu; một số sản phẩm, dịch vụ do người khiếm thị cung ứng chưa được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận.
Chị Huỳnh Thị Ngọc Uyển, Hội Người mù huyện Sóc Sơn chia sẻ: “Tôi mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt trên đường Đào Tấn (quận Ba Đình). Dù làm ăn chân chính, nhưng cũng phải mất thời gian dài, cơ sở mới khẳng định được thương hiệu là địa chỉ uy tín, chuyên nghiệp, ứng xử văn minh”...
Ngoài ra, do các nguồn lực hỗ trợ chưa đến với số đông, cho nên cuộc sống của người khiếm thị còn gặp khó khăn. “Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trong các gia đình có thành viên là người khiếm thị là 22,3%, cao gấp 4 lần mức trung bình của cả nước”, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam trăn trở.
Để khắc phục những bất cập này, bà Đinh Việt Anh cho biết, Hội Người mù Việt Nam đang đề xuất với các cơ quan chức năng triển khai một số giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khiếm thị. Cùng với đó, hội người mù các cấp sẽ đổi mới hoạt động, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người khiếm thị để họ nhận thấy lợi ích và tự nguyện tham gia sinh hoạt trong các tổ chức cơ sở hội.
Còn ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất để các cấp hội duy trì hoạt động thường xuyên. Công tác hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cần được triển khai linh hoạt, phù hợp với mức độ khuyết tật của từng đối tượng, đặc thù từng địa phương.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khẳng định, những bất cập về cơ chế, chính sách hỗ trợ người khiếm thị đã, đang được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Mới đây nhất, ngày 1-1-2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 01/TT-BLĐTBXH để tháo gỡ vướng mắc trong việc xác định và cấp giấy chứng nhận cho người khuyết tật. Sau hơn 6 tháng triển khai, 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập hội đồng xác định mức độ khuyết tật và đã cấp giấy xác nhận khuyết tật cho gần 300.000 người khiếm thị.
Với những giải pháp hỗ trợ đã, đang triển khai, chắc chắn cuộc sống, tương lai của người khiếm thị sẽ tốt hơn, rộng mở hơn.