Sẵn sàng sản xuất thiết bị 5G
Xe++ - Ngày đăng : 07:59, 15/07/2019
Hiện, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã chủ động trong việc thiết kế và sản xuất trạm phát sóng 4G; các thành phần quan trọng của mạng lõi 3G, 4G; hệ thống tổng đài tính cước thời gian thực... để triển khai mạng lưới dịch vụ tại Việt Nam và 10 thị trường của Viettel ở nước ngoài.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) Phạm Đức Long cho biết, VNPT đã đầu tư sản xuất thiết bị mạng 3G, 4G để phục vụ nhu cầu của mình và khách hàng. Trong đó phải kể đến modem quang, cáp quang... do VNPT sản xuất và làm chủ công nghệ không chỉ góp phần bảo đảm an toàn, an minh mạng, mà còn đem lại doanh thu.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số, do vậy vấn đề an toàn, an ninh thông tin rất quan trọng. Để phục vụ chuyển đổi số, năm 2019 Bộ quy hoạch xong tần số cho 5G để đầu năm 2020 sẽ làm các thủ tục cấp tần số cho nhà mạng.
Bộ trưởng kỳ vọng, 3 doanh nghiệp Viettel, Vingroup và FPT sẽ làm chủ thiết kế, chế tạo, sản xuất hạ tầng, thiết bị của 5G. Trong đó, FPT tập trung làm chip, Viettel và Vingroup làm hạ tầng, thiết bị.
Chia sẻ về việc sản xuất thiết bị 5G, ông Nguyễn Minh Quang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) cho biết, Viettel huy động 300 kỹ sư nhiều kinh nghiệm tham gia dự án 5G. Cùng với đó thực hiện đầu tư 200 tỷ đồng xây dựng phòng lab 5G; hợp tác với đối tác nước ngoài để triển khai chế tạo thiết bị 5G; dự kiến tháng 6-2020 sẽ thử nghiệm trên mạng lưới.
Còn Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long cho rằng, VNPT xây dựng kế hoạch sản xuất các thiết bị mạng 5G, trong đó có thiết bị small cell (tương tự trạm phát sóng cỡ nhỏ) để từng bước tiến tới làm chủ trong mảng này giống như đã làm được đối với mạng 2G, 3G, 4G và băng rộng cố định trước đây. Tuy nhiên, chỉ thiết bị nào có số lượng đặt hàng lớn, thì VNPT sẽ chủ động làm, thậm chí xây dựng nhà máy sản xuất.
Về kế hoạch sản xuất thiết bị 5G, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, ngoài điện thoại Vsmart, Vingroup đã, đang nghiên cứu sản xuất máy tính bảng, thiết bị IoT (internet kết nối vạn vật) và hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất điện thoại 5G. Để chuẩn bị cho chiến lược này, Công ty Nghiên cứu và Sản xuất Vinsmart (thuộc Vingroup) đã ký thỏa thuận hợp tác với Fujitsu (Nhật Bản) và Qualcomm (Mỹ) để phát triển điện thoại thông minh 5G.
Việc ký thỏa thuận hợp tác này cho thấy khả năng Vinsmart là một trong những nhà sản xuất điện thoại 5G đầu tiên trên thế giới; dự kiến sẽ được bán tại Mỹ, châu Âu và các thị trường khác trên toàn cầu vào tháng 4-2020...
Về chính sách cho sản xuất 5G, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đề xuất, cấp có thẩm quyền cần có ưu tiên về thuế, xây dựng thủ tục hành chính cho công nghệ theo hướng cởi mở. Cùng với đó, tổ chức mạnh hơn nữa các mạng lưới nghiên cứu, đổi mới sáng tạo công nghệ.
Tương tự, lãnh đạo VNPT cũng kiến nghị xây dựng chính sách thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nghiên cứu công nghệ; trước hết là hỗ trợ tài chính bằng cách ưu đãi thuế, ưu tiên vốn vay.
Tuy nhiên, khác với Vingroup, do là doanh nghiệp nhà nước nên VNPT đề xuất thêm: Các ngành chức năng, cấp có thẩm quyền sớm giải quyết các vướng mắc trong việc sử dụng nguồn vốn cho hoạt động khoa học công nghệ...
Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, VNPT - bước chuẩn bị cho cung cấp dịch vụ này. Việc các doanh nghiệp trong nước đã sẵn sàng sản xuất thiết bị 5G là sự chủ động để không chỉ từng bước làm chủ mạng lưới và thiết bị mà còn nhằm thực hiện có hiệu quả chiến lược "Make in Việt Nam".