Lập đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin trong công tác tuyển sinh
Giáo dục - Ngày đăng : 17:06, 16/07/2019
Theo Bộ GD-ĐT, việc thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về việc tổ chức tuyển sinh và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân tham gia công tác tuyển sinh, góp phần đảm bảo cho việc tuyển sinh diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Việc thanh tra, kiểm tra cũng góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có); đảm bảo cho công tác tuyển sinh nghiêm túc, đúng quy chế....
Bộ GD-ĐT yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra phải tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ và kịp thời; có trọng tâm, trọng điểm; không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng tuyển sinh, không làm cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân tham gia công tác tuyển sinh; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm Quy chế tuyển sinh theo quy định...
Nội dung thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT, Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và Quy chế tuyển sinh, trong đó tập trung vào một số nội dung: Thanh tra, kiểm tra việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh; việc tổ chức thi tuyển sinh; tổ chức xét tuyển.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu Thanh tra Bộ GD-ĐT là đầu mối nắm bắt thông tin về công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh năm 2019, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm theo quy định pháp luật.