Nelson Mandela và con đường trở thành huyền thoại
Hồ sơ - Ngày đăng : 15:48, 17/07/2019
Biểu tượng của phong trào chống phân biệt chủng tộc
Nelson Mandela tên thật là Rolihlahla Mandela, sinh ngày 18-7-1918 tại ngôi làng Mvezo ở phía Đông Nam Phi. Cha ông là Nkosi Mphakanyiswa Gadla Mandela, một lãnh đạo bộ tộc Tembu, qua đời khi Nelson Mandela mới 12 tuổi.
Sự nghiệp chính trị của Nelson Mandela bắt đầu vào năm 1944 khi ông tham gia Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và thành lập Liên đoàn thanh niên của ANC. Ông tích cực tham gia phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc do ANC tổ chức và nhiều lần bị chính quyền bắt giữ.
Năm 1960, các phong trào đấu tranh lan rộng, 69 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh khiến chính quyền buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Khi ANC bị cấm hoạt động, Mandela chuyển sang hoạt động ngầm, tham gia lên kế hoạch tổng đình công quốc gia và lãnh đạo cánh vũ trang của ANC có tên gọi "Ngọn giáo".
Năm 1962, ông bí mật rời Nam Phi để tới nhiều quốc gia châu Âu, thăm Anh để kêu gọi sự ủng hộ quốc tế đối với phong trào đấu tranh vũ trang. Sau đó, ông bị kết án 5 năm tù về tội rời Nam Phi trái phép và kích động các cuộc đình công. Một năm sau, ông bị kết án tù chung thân vì tội phản quốc. Những lời nói đanh thép trước tòa vào ngày 20-4-1964 đã khiến Nelson Mandela trở thành biểu tượng mạnh mẽ của phong trào chống phân biệt chủng tộc trên khắp thế giới.
“Tôi đã chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng, và tôi cũng chiến đấu chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi trân trọng lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do, trong đó mọi người sống với nhau hòa thuận và bình đẳng. Đó là lý tưởng mà tôi luôn hy vọng để sống vì nó và đạt được nó. Nhưng nếu cần, tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó”, Nelson Mandela nói.
Nhân vật truyền cảm hứng vĩ đại
Năm 1990, các chiến dịch quốc tế kêu gọi trả tự do cho Nelson Mandela ngày càng được nhiều người ủng hộ, buộc chính quyền Nam Phi phải trả tự do cho Mandela, khép lại 27 năm tù đày.
Cuối năm đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch ANC và một năm sau, tại Đại hội đầu tiên của ANC sau khi giành được quyền hoạt động hợp pháp, Nelson Mandela được bầu làm Chủ tịch ANC.
Năm 1993, ông được trao giải Nobel Hòa bình nhờ những đóng góp to lớn giúp giải phóng đất nước Nam Phi và chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid.
Ngày 27-4-1994, trong cuộc bầu cử Tổng thống dân chủ được tổ chức lần đầu tiên trong lịch sử Nam Phi, Nelson Mandela đã trở thành Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước này. Bằng sức mạnh của lòng vị tha và tinh thần hòa giải, ông đã hàn gắn hố sâu mâu thuẫn sắc tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho Nam Phi sau hàng chục năm chìm trong xung đột.
Sau một nhiệm kỳ, ông từ chức Tổng thống đúng như những cam kết khi đắc cử và dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động xã hội vì quyền con người, chống đói nghèo, bất bình đẳng trong xã hội... Ông qua đời ngày 5-12-2013, ở tuổi 95 tại Johannesburg, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những người yêu chuộng tự do và hòa bình trên toàn thế giới.
Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 5-12-2013 (theo giờ Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định: "Tổng thống Nelson Mandela là biểu tượng vĩ đại của công lý, là cảm hứng của nhân loại. Ông đã cống hiến cả cuộc đời vì nhân dân Nam Phi và nhân loại. Cuộc đời ông là một sự hy sinh lớn cho cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc trên thế giới".
Năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn ngày sinh nhật ông (18-7) làm Ngày Quốc tế Nelson Mandela. Đây là lần đầu tiên Liên hợp quốc dành riêng một ngày để tôn vinh một cá nhân, ghi nhận sự đóng góp của một nhà lãnh đạo kiệt xuất của thế kỷ XX, người đã dành cả cuộc đời để đấu tranh vì quyền tự do, bình đẳng cho con người và nền hòa bình cho dân tộc.