Kiểm toán Nhà nước: Phát hiện nhiều sai phạm cần sớm xử lý
Xã hội - Ngày đăng : 07:31, 18/07/2019
- Kết quả kiểm toán năm 2018 do Kiểm toán Nhà nước vừa công bố đã cho thấy nhiều sai phạm trong lĩnh vực đầu tư công. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
- Qua thực hiện nhiệm vụ, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai sót trong công tác quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, đến quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án... Qua kiểm toán 2.067 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 5.218 tỷ đồng.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện có hiện tượng chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn khi quyết định đầu tư; xác định tổng mức đầu tư không chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần...
Cũng theo kết quả kiểm toán, tình trạng vốn đầu tư công chậm giải ngân diễn ra khá phổ biến. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc giao vốn và phân bổ vốn. Tình trạng vốn đầu tư công phân bổ chậm, dàn trải, phân tán, giao vốn lắt nhắt và không đủ vẫn xảy ra khá phổ biến.
- Tại báo cáo vừa công bố, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ nhiều sai phạm tài chính của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
- Qua kiểm toán 30/31 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đa số các đơn vị kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn.
Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng cho thấy nhiều sai sót của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán hơn 3.000 doanh nghiệp, người nộp thuế ở 49 địa phương, phát hiện hơn 2.900 doanh nghiệp có sai phạm, đã kiến nghị xử lý tăng thu hơn 1.600 tỷ đồng.
Luật Quản lý thuế mới ra đời quy định trách nhiệm về kê khai và tự kê khai thuộc về doanh nghiệp; cơ quan quản lý thuế chỉ thanh - kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Qua kiểm toán cho thấy, nguyên nhân dẫn tới sai phạm từ phía các doanh nghiệp, người nộp thuế là chưa tự giác; còn sai phạm về phía cơ quan quản lý là thanh tra, kiểm tra căn cứ tính thuế chưa đầy đủ, kịp thời. Cùng với đó, cơ chế chính sách về thuế còn chưa cụ thể, nên cũng dẫn tới những cách hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau.
- Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của một số doanh nghiệp nhà nước đang ở mức cao. Xin ông cho biết rõ hơn!
- Đúng như vậy. Điều đó có thể dẫn chứng như: Tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty TNHH một thành viên Khách sạn dầu khí - PTSC có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 4,8 lần, Công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi: 22,4 lần... Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty mẹ - EVNGENCO1 có hệ số nợ là 5,48 lần...
Qua kiểm toán cũng nhận thấy, phần lớn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nên sau kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 10.896 tỷ đồng và 336.999 USD sau khi kiểm toán tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
- Từ những kết quả trên, Kiểm toán Nhà nước có kiến nghị gì nhằm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao thưa ông?
- Sau khi hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm toán năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng.
Cơ quan kiểm toán đã chuyển 5 vụ việc sang cơ quan điều tra, kiến nghị làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đến nay đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 vụ.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 160 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật, hoặc chưa phù hợp với thực tiễn. Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước.
Thông qua kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, có 28/159 văn bản đã, đang được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung.
Các kiến nghị khác của cơ quan kiểm toán cũng đang được các đơn vị liên quan nghiên cứu, sửa đổi. Đồng thời, đã có 43/56 cuộc kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.
Từ những kết luận của Kiểm toán Nhà nước, việc quản lý, sử dụng ngân sách sẽ được siết chặt, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách và xử lý nghiêm sai phạm.
- Trân trọng cảm ơn ông!