Thành công ở quốc tế, loay hoay trên sân nhà?
Văn hóa - Ngày đăng : 13:56, 18/07/2019
Đã hình thành thế hệ biên đạo múa thứ hai
Nhiều tài liệu nghiên cứu đều cho rằng múa đương đại chính thức du nhập vào Việt Nam từ cuối những năm 1980, cụ thể là vào năm 1988 với chuyến lưu diễn của Đoàn múa Phương Bắc (Dance North) của Australia, do biên đạo múa Cherry Stock hướng dẫn. Trong công trình nghiên cứu Múa đương đại Việt Nam, TS. Lê Hải Minh cho biết: “Tháng 1 năm 1988 chứng kiến Đoàn múa Phương Bắc như đoàn múa đương đại đầu tiên đến Việt Nam và là đoàn sân khấu múa tư bản đầu tiên từ phương Tây lưu diễn tại đây sau chiến tranh. Đây là dự án về văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và Australia. Trưởng Đoàn múa Phương Bắc kiêm chỉ đạo nghệ thuật lúc đó là bà Cheryl Stock, người có đóng góp to lớn trong sự phát triển nghệ thuật múa Việt Nam giai đoạn đổi mới. Bà được cho là người đầu tiên hướng dẫn múa đương đại cho các nghệ sĩ múa Việt Nam”.
Tính từ thời điểm đó đến nay, múa đương đại đã có 30 năm làm quen và trở thành một bộ phận không thể tách rời của nghệ thuật múa Việt Nam hiện đại. Cũng theo khảo sát của TS. Lê Hải Minh thì TS.NSND Phạm Anh Phương được cho là nghệ sĩ múa đương đại đầu tiên của Việt Nam. Ông đã sang Australia làm việc với Đoàn múa Phương Bắc trong dự án trao đổi văn hóa với tư cách một nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và sau đó trở về nước dàn dựng nhiều tác phẩm như Cuộc sống con người và vũ trụ, Lời ru của rừng...
Tác phẩm Lời ru của rừng đã được biểu diễn trong, ngoài nước và là một trong những tiết mục giúp NSND Phạm Anh Phương được nhận giải thưởng Nhà nước. Tiếp đó, vào năm 1995, làng múa và cả công chúng được phen “chấn động” khi biên đạo người Pháp gốc Việt Ea Sola Thủy cho ra mắt vở múa Hạn hán và cơn mưa với sự xuất hiện trên sân khấu không phải là những diễn viên múa thông thường mà là những người nông dân thật sự.
Qua những “cú sốc văn hóa” đó, công chúng bắt đầu để ý hơn và quen dần với múa đương đại. Sau đó, ngày càng có nhiều hơn những nghệ sĩ Việt chuyển mình từ múa ballet, múa truyền thống sang múa đương đại. Giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2008 được coi là giai đoạn phát triển rực rỡ của múa đương đại với rất nhiều vở diễn được ra mắt, gắn liền với tên tuổi các nghệ sĩ như: NSND Hà Thế Dũng, NSND Nguyễn Minh Thông, nghệ sĩ Lê Vũ Long, Nguyễn Anh Đức, Hoàng Thi Ngọc, NSƯT Đỗ Văn Hiền, NSƯT Trần Ly Ly, Bùi Tuấn Anh, Hà Thái Sơn... Họ được coi là thế hệ tiên phong của múa đương đại Việt Nam với một số thành tựu đã được khẳng định.
Đến Liên hoan Múa đương đại Hanoi dance fest 2019 vừa diễn ra, công chúng bất ngờ khi xuất hiện trên sân khấu lần này đều là những cái tên trẻ, những biên đạo múa có độ tuổi dưới 34 và đã có những thành công đáng kể không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Có thể kể tới biên đạo - nghệ sĩ múa Trần Tiến Huy, hiện đang làm việc tại Đức, là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên đảm nhận vai trò đồng giám đốc nghệ thuật của một nhà hát ở châu Âu - Nhà hát Pfalztheater Kaiserslautern (Đức). Biên đạo - nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải đang làm việc tại Nhà hát Konzert Theater Bern (Thụy Sỹ). Năm 2018, Vũ Ngọc Khải giành giải Nhất cuộc thi Biên đạo trẻ quốc tế Ayang Young Choreographer Competition tại Hàn Quốc. Nghệ sĩ và biên đạo Xuân Lê (người Pháp gốc Việt) từng đứng thứ 6 giải vô địch trượt slalom thế giới thể loại freestyle năm 2009. Anh nổi tiếng khi kết hợp tinh tế bộ môn nghệ thuật trượt băng và múa để tạo nên ngôn ngữ vũ đạo độc đáo. Hay nghệ sĩ - biên đạo múa Nguyễn Duy Thành cũng đã có nhiều thành công khi là một trong những nghệ sĩ đầu tiên tại Việt Nam kết hợp hip-hop với ngôn ngữ múa đương đại và truyền thống Á Đông để tạo nên phong cách riêng biệt.
Ngoài ra, còn có các nghệ sĩ như Bùi Ngọc Quân hiện là diễn viên múa gốc Việt duy nhất đang làm việc tại Les Ballets C de la B - một vũ đoàn múa nổi tiếng của Bỉ, hay Hoàng Ngọc Tú, Phạm Trí Thành… đều là những nghệ sĩ thành danh ở nước ngoài. Họ có thể nói là thế hệ biên đạo múa đương đại thứ hai, có khả năng đưa múa đương đại Việt ra khỏi biên giới nước nhà.
Đã hết cảnh “đốt đuốc tìm đường”?
Mới chỉ cách đây quãng chục năm, hầu hết nghệ sĩ múa đương đại vẫn còn cảm nhận rằng hành trình của mình giống như người đốt đuốc mà đi trong đêm. Không có đào tạo trong nước, họ tiếp cận với múa đương đại bằng con đường tự học, tự trải nghiệm thông qua những tác phẩm đã được dàn dựng ở nước ngoài, hoặc qua những workshop (một hoặc một chuỗi những buổi trao đổi kiến thức, phương pháp, kỹ năng) với chuyên gia nước ngoài, thảng hoặc mới có. Thế nên, cũng là dễ hiểu khi có rất nhiều tác phẩm múa đương đại “lạ mà không mới” ra đời. Lạ với khán giả Việt Nam nhưng không mới đối với múa đương đại thế giới, hay nói cách khác là “cũ người mới ta”. Nhiều tác phẩm sao chép quá nhiều từ các tác phẩm đã dàn dựng ở nước ngoài bị chính giới chuyên môn lên án...
Nhưng quá trình ấy cũng đã tạo ra những biến động tích cực cho nghệ thuật múa đương đại Việt Nam. Theo NSND Ứng Duy Thịnh: “Sự biến động được biểu hiện rất rõ trong các lĩnh vực nghệ thuật múa chuyên nghiệp: Sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, lý luận và đào tạo”. Các trung tâm đào tạo múa chuyên nghiệp đã từng bước hình thành đội ngũ giáo viên dạy bộ môn nghệ thuật này. Những nghệ sĩ thế hệ đầu tiếp tục truyền kinh nghiệm của mình cho những lứa học trò tiếp theo. Việt Nam hiện nay có nhiều cơ sở đào tạo chính thức giảng dạy bộ môn múa hiện đại hoặc múa đương đại như Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Trường Múa thành phố Hồ Chí Minh, khoa Múa của Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, khoa Múa của Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội...
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ nước ngoài, các nghệ sĩ Việt Nam có điều kiện du học hoặc tham gia biểu diễn tại các nhà hát lớn trên thế giới cũng đã tổ chức nhiều workshop trong nước, góp phần hình thành một thế hệ biên đạo, diễn viên mới có nền tảng vững chắc hơn. Vừa mới đây, nhóm các nghệ sĩ thành danh tại châu Âu gồm Vũ Ngọc Khải, Bùi Ngọc Quân, Hoàng Ngọc Tú, Trần Tiến Huy và Phạm Trí Thành đã tổ chức workshop múa đương đại có tên Made in Vietnam. Workshop giới thiệu cho học viên các chất liệu được chọn lọc từ cuộc sống của người Việt, từ những cơ thể sống và quá trình chuyển hóa chúng thành những chuyển động thú vị, bắt mắt. Không chỉ dừng lại ở nâng cao kỹ thuật biểu diễn, khóa học còn mang đến những thông tin có tính ứng dụng cao vào đời sống.
Trăn trở bài toán khán giả
Mặc dù đã khẳng định được về nghệ thuật, có vị trí không thể phủ nhận trong nghệ thuật múa Việt Nam hiện đại cũng như có một lớp nghệ sĩ kế cận tài năng và hết sức đam mê, nhưng xuyên suốt hành trình 30 năm của múa đương đại, vấn đề khán giả vẫn là một bài toán khó của lĩnh vực này.
Trước đây, những tác phẩm múa đương đại muốn ra mắt đều phải có sự “đỡ đầu” về nhiều mặt của các quỹ hỗ trợ văn hóa nước ngoài. Có thể kể đến tác phẩm Mắt bão (2003) do biên đạo Lê Vũ Long thực hiện cùng đoàn múa khiếm thính “Nơi đến” được hỗ trợ bởi Hội đồng Anh, vở Một ngày của Trần Ly Ly (2006) dưới sự tài trợ của Viện Goethe (Đức), vở Tam nguyên (2007) của nhóm +84 do Quỹ Trao đổi và Phát triển văn hóa Đan Mạch tài trợ... Suốt một thời gian dài vé cho các buổi trình diễn múa đương đại đều là vé phát miễn phí để công chúng có điều kiện làm quen với loại hình nghệ thuật này.
Liên hoan múa quốc tế Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á - Âu được tổ chức từ năm 2011 cũng phát vé miễn phí suốt 5 năm liền. Đến năm 2016 chương trình mới lần đầu bán vé, tuy vậy giá vé cũng rất “ưu đãi” - đồng hạng 100.000 đồng cho tất cả các đêm diễn. Liên hoan Múa đương đại Hanoi dance fest 2019 vừa diễn ra cũng thực hiện việc bán vé với mức giá từ 100.000 - 300.000 đồng.
Việc bán vé này, theo bà Đặng Thu Hà, đại diện Viện Goethe, là để bù đắp một phần chi phí biểu diễn, quan trọng hơn là hình thành ở khán giả thói quen mua vé thưởng thức nghệ thuật. Và dù lâu lâu mới có nhưng liên hoan tập trung toàn “đặc sản” múa đương đại như kể trên vẫn rất kén khán giả, việc bán vé gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những cản trở lớn khiến cho múa đương đại chưa thực sự phát triển và các nghệ sĩ tài năng vẫn phải tìm đường ra nước ngoài để khẳng định mình.
Vì sao khán giả trong nước thờ ơ với múa đương đại? Vì chúng ta chưa có nhiều vở diễn hấp dẫn, hay vì nó quá mới khiến công chúng không thể hiểu được? Có lẽ với múa đương đại Việt Nam hiện nay thì cả hai lý do đều đúng. Ngồi ở hàng ghế khán giả của một số liên hoan múa đương đại gần đây, người viết cũng nhiều lần được nghe khán giả than “chẳng hiểu gì” sau vở diễn.
Ngay tại Liên hoan Múa đương đại Hanoi dance fest 2019 vừa diễn ra, có tiết mục nhiều khán giả đã vỗ tay ở quãng lặng của tác phẩm bởi tưởng màn trình diễn đã kết thúc! Biên đạo múa Bùi Ngọc Quân rất có lý khi cho rằng: Một khi có vở múa chất lượng, chắc chắn dần dần chúng ta sẽ có khán giả. Và để xem được thì khán giả phải được cung cấp những công cụ để có thể hiểu được, không phải hiểu theo kiểu nghĩa đen, nhưng có thể đọc được một vở múa. Khán giả không hiểu là do họ không được cung cấp cho công cụ để hiểu được múa đương đại mà thôi.
Chính vì lý do: Muốn có khán giả thì phải đào tạo khán giả mà workshop “Made in Vietnam” của các nghệ sĩ trở về từ châu Âu đã mở rộng đối tượng, không chỉ cho nghệ sĩ múa chuyên nghiệp mà cho tất cả mọi người, chỉ cần quan tâm tới múa đương đại.
Xin được trích ý kiến của biên đạo, nghệ sĩ múa Trần Tiến Huy để kết cho bài viết này. “Nghệ thuật đương đại nói chung và nghệ thuật múa đương đại nói riêng đến thời điểm hiện tại không còn quá xa lạ với người Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tuy vậy để hiểu rõ hơn về các thể loại ngôn ngữ chuyển động và các loại hình nghệ thuật đương đại thì vẫn cần rất nhiều thời gian cho mặt bằng chung khán giả, cần có sự cởi mở hơn từ khán giả, sự kết nối từ biên đạo, diễn viên tới người xem. Đây là thử thách chung của tất cả những người làm nghệ thuật, những người làm về giáo dục văn hóa và truyền thông nói chung!”.