Gặp Bình Ca ở một quân khu khác
Văn hóa - Ngày đăng : 16:30, 18/07/2019
4 năm kể từ khi Quân khu Nam Đồng ra đời, cho đến nay tác phẩm đã được tái bản tới 15 lần. Còn cái tên Bình Ca, cũng từng làm “điên đảo” biết bao người hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ, tò mò đi tìm hiểu chân dung của anh suốt một quãng thời gian dài cho đến khi “lý lịch” của anh bị “bóc phốt” phần nào trên mạng xã hội. Ngay giữa tối mùa hè nóng nực một ngày tháng 7 vừa qua, cả trăm bạn trẻ cũng đã đến giao lưu với tác giả tại không gian Ơ Kìa Hà Nội trong chương trình Gặp Bình Ca ở một quân khu khác. Gặp tác giả ngoài đời nhưng lối nói chuyện hài hước, tưng tửng của anh dường như chẳng khác với cách dẫn dắt trong tác phẩm là bao. Nhưng, Bình Ca khẳng định: “Tôi chưa bao giờ thấy buồn cười khi viết, cũng không có ý định làm cho mọi người cười”, mặc dù Quân khu Nam Đồng đã đem đến nhiều nụ cười và cả những giọt nước mắt khi đọc về các nhân vật có thực của anh.
Bình Ca vốn không phải là nhà văn. Anh học ngành kinh tế, từng đảm trách nhiều cương vị quan trọng như Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương... cho đến khi nghỉ hưu năm 2018. Một sự nghiệp chẳng hề có liên quan đến văn chương, vậy tại sao bỗng dưng lại viết, và viết lại còn chuyên nghiệp như thế? Ai đã từng đọc Quân khu Nam Đồng hẳn sẽ nhớ đến nhân vật Hòa là con trai một nhà văn, người từng nhận “trọng trách” chuyên... viết thư tình hộ các bạn. Hòa chính là nguyên mẫu nhân vật của tác giả Bình Ca. Gen văn chương có lẽ đã sẵn trong máu, chỉ là chưa được phát huy.
Bởi đúng như trong truyện anh đã kể, cha của Bình Ca là nhà văn, còn là một nhà văn rất nổi tiếng, tác giả của những bộ sách được nhiều người biết đến như Ông cố vấn, Vùng trời, Đất nước, Cao điểm cuối cùng… - chính là nhà văn Hữu Mai. Em trai của Bình Ca - Trần Hữu Việt - cũng là nhà thơ có tiếng, trong đó phải kể đến tác phẩm Gọi từng làm nên cơn sốt năm 2018. Bình Ca, tên thật là Trần Hữu Bình, là con cả trong gia đình. Ngày còn trẻ, cha mẹ anh tình cờ gặp nhau trên một chuyến đò từ bến Bình Ca (Tuyên Quang) xuôi về Thanh Thủy (Phú Thọ).
Anh bộ đội Hữu Mai đã phải lòng cô thiếu nữ Bích Thu, để rồi sau này kết hôn họ đặt tên con trai là Bình, lấy theo tên bến Bình Ca. Đến đây, đã hiểu vì sao Trần Hữu Bình lại lấy bút danh Bình Ca khi đứng tên tác giả của Quân khu Nam Đồng; cũng giải thích được phần nào lý do để một người “tay ngang” lần đầu viết văn lại chỉ chấp bút trong 2 tháng mà làm nên một hiện tượng văn chương như thế. Còn tác giả của Quân khu Nam Đồng thì hài hước rằng dùng bút danh là vì “nếu cuốn sách có dở hoặc làm ai đó không hài lòng, thì cứ để họ “ném đá” cái ông Bình Ca nào đó là được!”.
Hơn 32.000 bản của Quân khu Nam Đồng đã được tung ra thị trường là con số mà không ít nhà văn chuyên nghiệp cũng phải mơ ước. Viết về “thời trẻ trâu” của một lớp thanh niên Hà Nội những năm 1970 (và cũng chỉ có lớp thanh niên thế hệ ấy mới hiểu vì sao người ta gọi địa bàn khu tập thể quân đội nơi gia đình mình sinh sống bằng cái tên “quân khu”) mà vẫn khiến thế hệ thanh niên thời @, tận quãng giữa thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, cũng phải “sục sôi” là cái tài của Bình Ca.
Có lẽ bởi, Bình Ca đã kể lại thật nhất mọi vui buồn, chuyện học hành, nghịch ngợm, tán tỉnh yêu đương và cả những trượt ngã của tuổi trẻ bằng một giọng văn khiến người đọc cười ngả nghiêng. Không đi sâu vào nỗi đau, Bình Ca cứ thong thả kể chuyện, nhưng những khoảng lặng chỉ vừa chạm tới trong Quân khu Nam Đồng cũng đủ khiến bạn đọc xót xa, tiếc nuối. Đọc Quân khu Nam Đồng, rất nhiều độc giả thắc mắc có bao nhiêu phần trăm truyện được viết từ sự thật.
Theo tác giả Bình Ca, nguyên mẫu ngoài đời có rất nhiều, nếu đưa hết vào tác phẩm thì sợ... độc giả không nhớ hết, cho nên có nhân vật thật trăm phần trăm, cũng có nhân vật được tổng hợp của nhiều nguyên mẫu ngoài đời. Bình Ca chỉ giản đơn viết theo nguyên tắc, chuyện nào nhớ thì viết theo sự thật, chỗ nào không nhớ thì... bịa. Tuy nhiên, với Bình Ca, cuộc sống vốn luôn đầy những điều kỳ diệu, bất ngờ và sâu lắng, văn chương chỉ cần để đúng nhịp của nó mà không cần bịa đặt thêm gì nữa cả.
Dữ liệu về những năm tháng tuổi trẻ “quân khu” trong ký ức là vô tận, đến mức Bình Ca có thể viết liền ba tập như Quân khu Nam Đồng mà vẫn chưa hết chuyện. Nhưng anh đã lựa chọn gạt đi rất nhiều những câu chuyện ly kỳ khi nó không phù hợp với nhịp điệu câu chuyện mà anh kể trong Quân khu Nam Đồng. Điều đó có lẽ đã góp phần làm nên thành công cho tác phẩm này, khi không sa đà vào hồi ức, không tham lam nhân vật và tình tiết.
Không biết sau lần đầu chạm ngõ văn chương rất thành công này, Bình Ca có lúc nào đó lại muốn viết hay không, nhưng với những người hâm mộ của Quân khu Nam Đồng, thì những cẩm nang “quân khu” cùng cái tên Bình Ca vẫn còn mãi.