Cách nào giảm chi phí vận tải đường bộ?
Giao thông - Ngày đăng : 07:50, 18/07/2019
Báo cáo về “Tăng cường ngành vận tải hàng hóa đường bộ Việt Nam” do nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện vừa công bố cho thấy, Việt Nam có thể phát triển vận tải hàng hóa trên cả ba phương thức: Đường bộ, đường thủy nội địa và vận tải biển. Với ưu thế đường bờ biển dài 3.200km và khoảng 19.000km đường thủy nội địa, lẽ ra hai kênh vận tải này có thể phát triển khá mạnh để hỗ trợ cho vận tải đường bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, hai phương thức này hiện mới chỉ chiếm 5% và 17% lưu lượng hàng hóa nội địa. Trong khi đó, có 77% hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ.
Theo bà Yin Yin Lam (chuyên gia của WB), một cuộc khảo sát đã được WB tiến hành với 150 công ty vận tải đường bộ và hơn 1.400 lái xe cho thấy, 5 chi phí hàng đầu đối với doanh nghiệp vận tải là chi phí nhiên liệu, phí cầu đường, chi phí không chính thức, chi phí lãi vay và lương lái xe. Hàng loạt yếu tố đầu vào tăng đã khiến giá cước vận tải tăng, trong khi đó quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún. Số lượng xe tải trung bình của mỗi công ty vào khoảng 5 xe và có gần 80% trong tổng lượng xe tải trên toàn quốc là xe từ 5 đến 10 tấn cũng là nguyên nhân gây ách tắc giao thông và gia tăng chi phí. Bởi theo tính toán, xe tải nhỏ kém hiệu quả hơn 75% so với xe tải hạng nặng xét về chi phí vận hành và lượng phát thải khí nhà kính...
Ngoài ra, việc thiếu các sàn giao dịch vận tải để chia sẻ, kết nối cung - cầu nên tỷ lệ xe chạy “rỗng” chiều về cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chi phí vận tải luôn ở mức cao. Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết, theo tính toán, vận chuyển hàng hóa tuyến Hà Nội - Hải Phòng xe có hàng cả chiều đi lẫn chiều về thì giá cước khoảng 130-150 nghìn đồng/tấn, nhưng nếu chỉ có một chiều cước sẽ lên đến 200 nghìn đồng/tấn.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận, chi phí vận tải đường bộ của Việt Nam còn ở mức cao so với thế giới. Nguyên nhân của tình trạng này là do đa số các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa thực hiện các giao dịch, kết nối với chủ hàng đều qua trung gian, vì vậy chi phí bị phát sinh. Bên cạnh đó, việc chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải dẫn đến tỷ lệ xe có hàng hai chiều thấp, tỷ lệ xe chạy “rỗng” ở mức cao (từ 30% đến 50% số chuyến xe), dẫn đến chi phí vận tải tăng cao.
Đề cập giải pháp nhằm giảm chi phí vận tải đường bộ, nhóm chuyên gia của WB cho rằng, cần giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực xung quanh cảng hàng hóa bằng cách xây dựng các nơi đỗ xe tập trung và các trung tâm tập kết hàng hóa gần cảng. Đồng thời ưu tiên và nâng cấp kết cấu hạ tầng của các tuyến đường chính chiếm phần lớn lưu lượng xe tải liên tỉnh. Mặt khác, cải thiện đội xe, có chính sách ưu đãi với hoạt động mua xe có tải trọng lớn hơn, sử dụng nhiên liệu tiết kiệm hơn...
Theo kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới, việc xây dựng cổng thông tin điện tử về vận tải hàng hóa (hoặc sàn giao dịch vận tải) là cần thiết. Thông qua cổng thông tin này, thị trường vận tải sẽ trở nên minh bạch và có tính kết nối cao giữa khách hàng với doanh nghiệp vận tải và giữa các doanh nghiệp vận tải với nhau, qua đó giảm được tỷ lệ xe chạy “rỗng” chiều về. Về lâu dài, cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu thị phần vận tải, trong đó hướng đến việc khai thác các phương thức vận tải có giá thành hạ như đường sắt, đường thủy nội địa.