Chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:12, 19/07/2019
Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng mạnh
Chị Lương Kim Hương, 31 tuổi (ở phường Tân Phong, quận 7) mệt mỏi nằm trên giường bệnh kê ngoài hành lang Khoa Nhiễm D (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố) chia sẻ: “Bệnh nhân nhập viện quá đông nên bác sĩ phải kê thêm giường bệnh. Mặc dù bất tiện, nhưng chúng tôi cũng phải cố thích nghi”.
Giống chị Hương, hơn chục bệnh nhân khác cũng đang phải nằm viện điều trị bệnh sốt xuất huyết với tình trạng như vậy.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D cho biết: Hiện mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 50 đến 70 người nhập viện điều trị sốt xuất huyết. Tính riêng trong tháng 6-2019, đơn vị đã phải tiếp nhận tới 800 bệnh nhân, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Dù khoa đã kê thêm 30 giường bệnh nhưng vẫn không đủ để phục vụ bệnh nhân. Số liệu thống kê từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, số ca nhiễm sốt xuất huyết nhập viện là 5.161 ca, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018. Số ca bệnh nặng tăng gấp đôi năm ngoái, chủ yếu là người lớn.
Tình trạng quá tải bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cũng đang diễn ra tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 thành phố. Mỗi ngày, có tới 50 đến 60 bệnh nhi nhập viện, nhiều em có triệu chứng sốc, không đo được mạch, nhịp.
Thành phố Hồ Chí Minh đang là địa phương có số người mắc bệnh sốt xuất huyết cao nhất cả nước, với hơn 24.700 ca mắc bệnh, tăng 178% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng lo ngại, đến ngày 11-7, thành phố cũng là địa phương có số ca tử vong vì sốt xuất huyết cao nhất cả nước, với 5 trường hợp, bao gồm 3 người lớn và 2 trẻ em.
Các chuyên gia, bác sĩ từ Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đều cho rằng, bệnh sốt xuất huyết bùng phát từ đầu tháng 6 đến nay, khi mùa mưa chính thức bắt đầu ở miền Nam. Tình trạng nắng nóng liên tục vào buổi sáng, mưa nhiều vào buổi chiều hằng ngày là điều kiện lý tưởng để muỗi vằn sinh sôi, nảy nở và là vật truyền bệnh sốt xuất huyết. Thành phố Hồ Chí Minh, với kênh rạch nhiều, mật độ cư dân đông càng khiến cho bệnh sốt xuất huyết có điều kiện bùng phát và lan rộng.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, các ca bệnh nặng thường do bệnh nhân chủ quan, chỉ nhập viện khi đến ngày thứ 4, thứ 5 của quá trình mắc bệnh, với các biểu hiện lâm sàng quá rõ nét. Điều này gây nhiều khó khăn cho quá trình điều trị.
Phân tuyến điều trị, phòng ngừa từ cộng đồng
Trước những diễn biến phức tạp về sự bùng phát số bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bình đã chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố lên kế hoạch kiểm tra, giám sát các trung tâm y tế 24 quận, huyện trên địa bàn; tiến hành ngay phun thuốc trừ muỗi và đẩy mạnh tuyên truyền cách thức phòng, chống bệnh đến với người dân từng khu phố, cụm dân cư. Thực hiện chủ trương này, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã thay đổi cách tiếp cận và tuyên truyền với người dân bằng thông điệp “Cuối tuần không có lăng quăng, cả tuần không có muỗi”, vận động người dân dành 15-20 phút ngày nghỉ cuối tuần dọn dẹp môi trường quanh nơi sinh sống, loại bỏ các đồ đọng nước, không để muỗi phát triển.
Theo chỉ đạo từ Bộ Y tế, các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 là các cơ sở tuyến cuối của hệ thống điều trị sốt xuất huyết trên địa bàn. Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ngoài chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, phân loại bệnh nhân tốt, xác định phác đồ điều trị phù hợp từng giai đoạn của bệnh, những bệnh viện này còn phải hỗ trợ các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới theo khu vực đã phân công trong điều trị và dập dịch.
Hiện các địa phương tuyến cơ sở trong thành phố đã có nhiều cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, phường 14 (quận 4) vẫn duy trì mô hình đào tạo kỹ năng truyền thông và kiến thức phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho các tổ trưởng dân phố, người có uy tín trong cộng đồng… để làm hạt nhân tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Còn tại phường Tăng Nhơn Phú A (quận 9), các cấp chính quyền vẫn duy trì mô hình truyền thông đến từng hộ gia đình với thông điệp: “Chỉ nhà mình diệt lăng quăng, diệt muỗi là chưa đủ. Hãy vận động hàng xóm cùng làm theo”. Tương tự, hơn 1 tháng nay, hằng ngày, nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng quận 2 cũng tích cực đến từng khu vực các hộ dân sinh sống trên địa bàn phun thuốc trừ muỗi...
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu chúng ta quyết liệt thực hiện các biện pháp đồng bộ và phát huy sức mạnh toàn dân chung tay phòng, chống dịch thì sẽ giảm được số ca mắc bệnh sốt xuất huyết thời gian tới”.
Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, khi có các dấu hiệu nguy cơ như: Sốt cao, đau nhiều ở hạ sườn phải, đi tiêu và đi tiểu ra máu, chảy máu cam, xuất huyết dưới da... người dân nên nhập viện để điều trị kịp thời, tránh biến chứng xảy ra.