Lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè: Vào cuộc đồng bộ để hiệu quả bền vững
Đời sống - Ngày đăng : 06:16, 19/07/2019
Phó mặc cho thanh tra giao thông và công an
Từ khi đường Vành đai 2 (đoạn cầu Nhật Tân - Cầu Giấy) đưa vào sử dụng, lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa phường Cống Vị và phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), nhiều đoạn vỉa hè đường gom khu vực đầu dốc phố Đội Cấn đã bị biến thành nơi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng. Thường xuyên đi trên tuyến đường này, anh Trần Văn Tuyên (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) cho biết, cùng với vật liệu xây dựng là nhiều xe tải nhỏ, xe ba bánh tự chế đỗ lấn chiếm vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường khiến người dân đi lại gặp nhiều khó khăn...
Tương tự, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, dừng, đỗ phương tiện trái phép ở đường Giải Phóng (khu vực giáp ranh giữa 3 quận: Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân) vẫn diễn biến phức tạp.
Tại Vườn hoa Cổ Tân (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), hiện tượng ô tô dừng đỗ sát nút giao thông, chiếm dụng nhà chờ xe buýt, làn đường dành cho người đi bộ… chưa chấm dứt. Đồng thời, tại phố Cổ Tân, phần đường cho người đi bộ cũng bị chiếm dụng để làm nơi trông giữ phương tiện. Theo Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, mặc dù Công an quận đã có nhiều biện pháp mạnh nhằm lập lại trật tự đô thị, lòng đường, vỉa hè nhưng trên địa bàn vẫn còn một số tụ điểm phức tạp, trong đó có khu vực Vườn hoa Cổ Tân. “Nguyên nhân do thiếu sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, đồng thời ý thức tự giác chấp hành của nhiều người dân chưa cao”, Thượng tá Bùi Văn Đang nói.
Theo Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, Thanh tra Sở đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 533 trường hợp chiếm dụng trái phép lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện với số tiền gần 2,3 tỷ đồng. Cùng với đó, đơn vị giải tỏa hơn 1.200 trường hợp vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán... Dù lực lượng chức năng đã tăng cường xử lý vi phạm, song Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang cho rằng, vẫn chưa thể giải quyết được triệt để tình hình. Một trong những nguyên nhân là do công tác quản lý và duy trì sau kiểm tra, giải tỏa còn chưa tốt nên tình trạng tái lấn chiếm diễn ra ở nhiều nơi.
Trong khi đó, Thượng tá Hoàng Văn Trụ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) nêu thực trạng, công tác bảo đảm trật tự đô thị, chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở nhiều địa bàn được nghiễm nhiên coi là trách nhiệm của thanh tra giao thông và lực lượng công an, thiếu sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở địa bàn giáp ranh giữa các phường, quận nên hiệu quả chưa cao…
Hiệu quả từ sự vào cuộc đồng bộ
Mặc dù công tác xử lý vi phạm và duy trì bảo đảm trật tự đô thị, chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gặp nhiều khó khăn nhưng ở đâu có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và người dân thì ở đó vẫn có sự chuyển biến tích cực, hiệu quả.
Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm và Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) có khoảng 10 nghìn hộ dân với 39 nghìn nhân khẩu. Áp lực dân số tại đây khiến cho tình hình trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, trông giữ xe rất phức tạp. Từ thực tế đó, Công an quận Hoàng Mai đã phối hợp với Thanh tra giao thông quận, UBND phường Hoàng Liệt, Đội Cảnh sát giao thông số 14 lập các tổ chuyên trách chủ động bám chắc địa bàn để lập lại trật tự đô thị. Thượng tá Lê Văn Thắng, Phó Trưởng Công an quận Hoàng Mai cho biết, riêng từ đầu tháng 7-2019 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý trên 50 trường hợp ô tô dừng đỗ trái phép dưới lòng đường, vỉa hè; xử phạt 2 điểm trông giữ xe vi phạm...
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, cán bộ UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), song song với xử lý vi phạm, UBND phường đã tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và yêu cầu những điểm trông giữ phương tiện có phép phải chấp hành đúng diện tích, khu vực được cấp phép... Bên cạnh đó, ông Đỗ Xuân Dũng, Tổ trưởng tổ dân phố 60 (tòa HH4C - phường Hoàng Liệt) cho biết, công tác tuyên truyền và huy động người dân cùng tham gia giữ gìn trật tự đô thị cũng được đẩy mạnh. Nhờ đó, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè khu vực nói trên đã giảm.
Tại quận Thanh Xuân, công tác quản lý trật tự đô thị, chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè được UBND quận chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp, từ quản lý, tuyên truyền, đến kiểm tra, xử lý vi phạm và đặc biệt là huy động các ngành, đoàn thể, nhân dân cùng vào cuộc. Chủ tịch UBND quận Nguyễn Xuân Lưu cho biết, ở bất kỳ nơi nào trên địa bàn quận, khi có thông tin phản ánh về trật tự đô thị từ người dân, cộng đồng, sẽ được chuyển ngay lên nhóm Zalo để các đơn vị liên quan nắm bắt, phân công xử lý và theo dõi, giám sát. Do đó, theo Trung tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân, 6 tháng đầu năm 2019, quận đã xử lý kịp thời 1.150 trường hợp vi phạm trật tự đô thị; xử lý 570 mái che, mái vẩy, cầu dẫn sai quy định…
Tuy nhiên, những điển hình trong công tác bảo đảm trật tự đô thị, chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn chưa nhiều. Theo Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 197 thành phố, thời gian tới, Công an thành phố sẽ tiếp tục tham mưu nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, văn minh đô thị. Ban Chỉ đạo 197 các cấp cần tham mưu cụ thể với cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành; tuyên truyền, vận động, xử lý nghiêm các vi phạm, hỗ trợ tạo việc làm cho những trường hợp khó khăn, nâng cao ý thức của người dân để công tác bảo đảm trật tự đô thị, chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đạt hiệu quả, bền vững.