Quảng Trị - Những ngày tháng bảy
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:29, 19/07/2019
“Đồng đội ơi, chúng tôi đã về đây”
Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), giữa những ngày hè chói chang, trong những đoàn người tri ân có rất nhiều cựu chiến binh viếng thăm đồng đội yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị… Thắp nén tâm hương trước anh linh các liệt sĩ, những chiến sĩ quả cảm năm xưa khe khẽ gọi: “Đồng đội ơi, chúng tôi đã về đây, để tưởng nhớ, tri ân các anh. Mong các anh yên nghỉ”!
Trong không khí linh thiêng tại Thành cổ Quảng Trị, ông Nguyễn Trọng Linh, Hội Cựu chiến binh phường Kim Mã (quận Ba Đình) nhớ lại: “Tôi mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu quê hương, đất nước từ Hà Nội vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị giữa những năm tháng khốc liệt nhất, từ tháng 3-1969 đến tháng 3-1973”. Là chiến sĩ của Tiểu đoàn 808, Tỉnh đội Quảng Trị (còn gọi là K8), trong thời gian này, ông Linh đã tham gia hơn 100 trận chiến đấu, trận nào cũng có người thương vong, mất mát, đau thương không thể kể hết. Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, ông là Trung đội trưởng Trung đội I, Đại đội 3 (K8) cùng đồng đội chiến đấu với tinh thần “còn người là còn trận địa”. Mặc bom rơi, đạn nổ, những chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã giữ gìn từng tấc đất quê hương bằng xương máu của mình, bằng niềm tin tất thắng.
Trong đoàn người tri ân còn có người thân của các Anh hùng liệt sĩ. Dâng hương, đặt bó huệ ngay ngắn lên phần mộ của liệt sĩ Phạm Hồng Thịnh tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Trung tá Phạm Hồng Thanh, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào, Công an quận Nam Từ Liêm - con trai liệt sĩ Phạm Hồng Thịnh xúc động chia sẻ: "Năm 1968, bố tôi tình nguyện nhập ngũ. Trong những năm tháng chiến đấu khốc liệt, dường như đã dự cảm về cuộc ra đi mãi mãi của mình, ông đã gửi thư dặn dò gia đình, động viên mọi người cố gắng sống thật tốt. Sau đó một thời gian ngắn, khi lá thư đến với gia đình, bố tôi đã hy sinh tại mặt trận Đường 9 - Khe Sanh năm 1971. Năm đó, tôi mới 3 tuổi".
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Hoàng Chí, Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 cho hay: “Chúng tôi nghẹn lòng trước tình cảm của những người đang sống đối với liệt sĩ. Có người đi tìm mộ người thân nhiều lần không thấy, có người vì hoàn cảnh, một vài năm mới có thể thăm viếng người thân một lần, có người thành kính tri ân, lặng lẽ khóc trước anh linh những người ngã xuống”. Còn theo ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, lượng người về dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ngày càng đông. Nhiều đoàn khách, đơn vị, địa phương đến đây thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân bằng cách ủng hộ kinh phí để sửa chữa, hoàn thiện không gian cảnh quan. Điều đó phần nào cho thấy, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được các thế hệ người Việt kế thừa, phát huy; hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa.
Trọn nghĩa, vẹn tình
Những ngày tháng bảy, các hoạt động tri ân trên mảnh đất Quảng Trị còn được thể hiện bằng nhiều hình thức khác. Điển hình là ngày 11-7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Đoàn công tác của Bộ đã đến thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hồng (93 tuổi), trú tại phường 1, thành phố Đông Hà; thương binh Trần Công Chức (85 tuổi) trú tại tiểu khu 4, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong và nhiều đối tượng người có công với cách mạng. Ngoài ra, Bộ cũng đã trao tặng 11 nhà tình nghĩa cho 11 gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở và nhiều phần quà, giúp tỉnh Quảng Trị thực hiện tốt hơn các chế độ ưu đãi người có công, các chính sách an sinh xã hội.
Trước đó, Đoàn đại biểu đại diện Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đến thăm và gửi những món quà tri ân đến một số ban quản lý di tích, nghĩa trang để các đơn vị chăm lo, phụng thờ các Anh hùng liệt sĩ. “Nhân dân Thủ đô và cả nước luôn trân trọng, biết ơn sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ cũng như sự hy sinh, mất mát mà người dân Quảng Trị phải gánh chịu. Để xứng đáng với sự hy sinh đó, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã, đang nỗ lực, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển”, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội bày tỏ.
Dịp này, Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, gồm hơn 300 người, đại diện cho hơn 3.000 hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên của Chi hội trên mọi miền đất nước tiếp tục về “miền đất lửa” Quảng Trị để khởi công xây dựng 150 căn nhà chữ thập đỏ, tặng quà người có công với cách mạng với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng. Đón nhận nhà chữ thập đỏ do Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người trao tặng vào năm 2018, bà Hồ Thị Cam, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Có nhà mới, các thành viên trong gia đình tôi yên tâm lao động, học tập. Cuộc sống cũng nhờ đó mà ổn định, phát triển hơn”.
Thông qua những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa của đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhất là của chính quyền và nhân dân Quảng Trị, đời sống của người có công trên vùng đất này cải thiện từng ngày. Ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết: “Hiện nay, 99% gia đình người có công ở Quảng Trị có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Phấn đấu đến cuối năm 2020, Quảng Trị không còn gia đình có thành viên là người có công thuộc diện hộ nghèo. Dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tỉnh Quảng Trị tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tri ân, bảo đảm 100% gia đình người có công nhận được những suất quà ý nghĩa”.
Đến Quảng Trị hôm nay, ai ai cũng thấy mảnh đất chứa lượng bom rơi, đạn nổ nhiều nhất cả nước đang hồi sinh mạnh mẽ. Dòng sông Thạch Hãn nước xanh biêng biếc, hai bên bờ là những ngôi nhà san sát, bình yên. Thành cổ Quảng Trị như công viên mang biểu tượng hòa bình với hệ thống cây xanh, hoa nở bốn mùa... Vậy nhưng, mảnh đất này vẫn còn hàng nghìn liệt sĩ nằm rải rác trong lòng đất mẹ, rất khó kiếm tìm. Như nhà thơ Phạm Đình Lân đã viết: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi. Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ. Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió. Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng”.