Nhà vô địch Olympic Rio năm 2016 Hoàng Xuân Vinh: Giải tỏa áp lực, tùy cơ ứng biến
Thể thao - Ngày đăng : 07:59, 21/07/2019
- Việc đến giờ chưa giành được suất tham dự Olympic Tokyo năm 2020, là nhà vô địch Olympic Rio năm 2016, anh có chịu nhiều áp lực không?
- Áp lực là có thực, và ngày càng lớn, khi qua mỗi giải đấu, lần lượt tại Ấn Độ (từ ngày 20 đến 28-2), Trung Quốc (từ ngày 23-4 đến 1-5), Đức (từ ngày 24-5 đến 31-5), bắn súng Việt Nam vẫn chưa thể giành suất tham dự Olympic Tokyo năm 2020. Vận động viên chuyên nghiệp phải chấp nhận áp lực. Cá nhân tôi và đồng đội đang nỗ lực hết mình trong tập luyện để có thể đạt trạng thái tốt nhất cho giải Cúp thế giới cuối cùng của năm 2019 mang tính chất vòng loại đến Thế vận hội 2020 tại Nhật Bản.
Tôi nghĩ trong quá trình chuẩn bị, có nhiều vấn đề phải "thiên biến", như thay đổi hình thức tập huấn, cách thức tập luyện, mục tiêu là giảm tải áp lực, giúp vận động viên phát huy tốt nhất khả năng của mình đúng thời điểm quyết định. Ngoài chuyện giải tỏa áp lực, tùy cơ ứng biến, tôi nghĩ giỏi mấy cũng cần chút may mắn để biến cơ hội thành hiện thực.
- Thực tế là anh vẫn duy trì tốt điểm số khi tập luyện và thi đấu, nhưng thành tích lại không được như trước. Phải chăng các đối thủ của bắn súng Việt Nam đang ngày càng tiến bộ nhanh hơn?
- Thực tế là ngày càng có nhiều quốc gia đầu tư mạnh về cơ sở vật chất và điều kiện tập luyện giúp các xạ thủ phát triển thành tích. Ấn Độ, Hàn Quốc, các quốc gia khu vực Đông Bắc Á đều đầu tư rất lớn cho một số môn Olympic trọng điểm, trong đó có bắn súng. Bản thân tôi thời gian qua phải chịu áp lực nhất định bởi dù cố gắng giữ, duy trì điểm số, nhưng vẫn không vượt được đối thủ đã và đang nhận được sự đầu tư rất mạnh.
- Anh có chạnh lòng không khi đã 3 năm trôi qua kể từ khi anh giành Huy chương vàng Olympic đầu tiên cho thể thao Việt Nam, nhưng sự đầu tư cho môn bắn súng vẫn còn nhiều hạn chế?
- Đúng là cơ sở vật chất cho môn bắn súng còn rất hạn chế, nhiều trang thiết bị còn thiếu, cả về đạn, súng tập cũng như sự đầu tư cho trường bắn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn được Nhà nước đầu tư, cho đi tập huấn, thi đấu nước ngoài. Việt Nam cũng đã nhận đăng cai SEA Games 31 năm 2021, rất có thể mơ ước về một trường bắn hiện đại sẽ thành hiện thực. Còn hiện tại, trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn của đất nước, cá nhân tôi cũng như các thành viên của đội tuyển, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam vẫn hy vọng có thể phát huy thành tích mà không phải dựa quá nhiều về nguồn đầu tư của Nhà nước.
Hiện nay, các nước đầu tư mạnh cho bắn súng đều từ sự phát triển xã hội hóa, kết hợp quy trình quản lý, khai thác mô hình giải trí thể thao hiệu quả. Vì vậy, nếu Liên đoàn Bắn súng Việt Nam phát triển mạnh, khai thác tốt tiềm năng, huy động sự tham gia của những người đam mê, kết hợp với sự đầu tư của ngành Thể thao và sự chung tay của doanh nghiệp, bắn súng Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển lâu dài.
- Với những khó khăn hiện tại, anh có chia sẻ gì về những mục tiêu sắp tới?
- Từ nay đến thời điểm chốt danh sách dự Olympic Tokyo năm 2020, ngoài giải Cúp thế giới tại Brazil, bắn súng Việt Nam còn một cơ hội cuối cùng tranh suất dự Thế vận hội tại Giải Bắn súng vô địch châu Á, diễn ra ở Qatar năm 2020. Trong tình hình hiện tại, nếu chúng ta có thể giành được 1 suất đến Tokyo đã có thể coi là rất thành công.
- Trân trọng cảm ơn anh!