Nga - Mỹ: Thêm căng thẳng vì “cuộc chiến thị thực”
Thế giới - Ngày đăng : 07:05, 21/07/2019
Tranh cãi giữa hai nước bắt đầu nóng lên kể từ khi tờ New York Times (Mỹ) trích dẫn lời của nhân viên ngoại giao Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva cho rằng, Nga đã từ chối cấp thị thực cho 30 giáo viên dạy học tại Trường Anglo-American thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Nga. Phần lớn giáo viên là người nước ngoài đến từ các quốc gia nói tiếng Anh. Phía Mỹ tuyên bố, những người này được gửi đến làm việc ở Mátxcơva với tư cách là nhân viên hành chính và kỹ thuật của Đại sứ quán Mỹ. Vì vậy, họ được hưởng các quyền và lợi ích theo quy chế ngoại giao.
Trường Anglo-American do Đại sứ quán Mỹ, Anh và Canada thành lập năm 1949, chuyên dành cho con em các nhà ngoại giao. Hiện trường có 1.200 học sinh, trong đó có cả con em những người Nga giàu có và một số người Nga sống ở nước ngoài. Việc các giáo viên không được cấp thị thực nhập cảnh có thể khiến trường thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ giảng dạy và có thể phải giảm số lượng học sinh đăng ký mới.
Phản ứng trước tuyên bố của Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu hồi Tham tán công sứ Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva Tim Richardson để phản đối. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga gọi các tuyên bố của giới chức Mỹ là “những lời nói dối”, cáo buộc Mỹ không muốn giải quyết vấn đề một cách xây dựng. Nga cho rằng, ngôi trường trước đây trực thuộc Đại sứ quán Mỹ và giảng dạy cho con em nhân viên ngoại giao. Tuy nhiên, từ những năm 1990, trường đã được di chuyển ra ngoài giới hạn của phái bộ ngoại giao Mỹ và hoạt động như một cơ sở giáo dục thương mại, trái với các quy tắc của Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao.
Ngoài ra, phía Nga cũng chỉ trích Mỹ đã khơi mào cho “cuộc chiến thị thực” bởi trong nhiều năm qua, Mỹ gây khó khăn cho Nga trong việc luân chuyển các nhân viên ngoại giao, trì hoãn việc cấp thị thực cho hơn 60 nhân viên ngoại giao của các cơ quan đại diện Nga. Theo bà Maria Zakharova, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, Washington muốn Nga cấp thị thực cho các giáo viên tại Mátxcơva, nhưng lại không sẵn lòng thực hiện động thái tương tự đối với giáo viên Nga đang làm việc tại một trường học đặt trên đất của Đại sứ quán Nga ở Washington.
Nga sẽ hành động trên cơ sở “có đi, có lại”, sẵn sàng để những giáo viên của Trường Anglo-American nhập cảnh trong thời gian sớm nhất nếu Mỹ cũng có hành động như vậy với các nhân viên ngoại giao Nga. Bà Zakharova đồng thời đưa ra khuyến nghị: "Hoặc các giáo viên là nhân viên của Đại sứ quán Mỹ và trường phải hoạt động trên lãnh thổ của cơ quan ngoại giao, hoặc các giáo viên không có tư cách ngoại giao và phải được đăng ký hoạt động theo luật pháp của Nga".
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ và Nga “mắc kẹt” trong những tranh cãi ngoại giao. Cách đây 2 năm, Washington từng ra quyết định tịch thu hai tổ hợp tòa nhà ngoại giao và trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga với cáo buộc Điện Kremlin can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ở phía bên kia, Mátxcơva cũng cứng rắn không kém và luôn nhấn mạnh sẽ theo đuổi đến cùng cuộc đối đầu với “chú Sam”.
Hiện tại, bên cạnh tranh cãi ngoại giao, hai nước đang bất đồng gay gắt về một loạt vấn đề như cuộc khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến ở Syria, tấn công mạng, lá chắn tên lửa... Vì vậy, những hành động trả đũa không khoan nhượng sẽ làm cho mối quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục xuống dốc. Nếu xu hướng này không thay đổi, hai cường quốc vũ khí có thể khiến thế giới phải đối mặt với nhiều nguy cơ về an ninh như đã từng xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.