Hoạt động ý nghĩa, thường xuyên, liên tục
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:44, 22/07/2019
Việc làm đó cũng chính là thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi nhân “Ngày Thương binh toàn quốc” viết năm 1948: “... Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần...”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, trong thời chiến hay thời bình, Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước cũng luôn dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, trước 1 tháng, ngày 26-6, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1062/QĐ-CTN về việc tặng quà nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Theo đó, tùy theo đối tượng, sẽ có hai mức quà tặng là 400 nghìn đồng và 200 nghìn đồng. Tổng kinh phí để tặng quà người có công với cách mạng nhân dịp này là hơn 332,5 tỷ đồng.
Với thành phố Hà Nội, từ ngày 7-3, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019) trên địa bàn.
Các chỉ tiêu cơ bản đã được thành phố nêu rõ, đó là vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” toàn thành phố đạt 22.120 triệu đồng; tặng 2.645 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” (phấn đấu mỗi sổ tiết kiệm mức thấp nhất 1 triệu đồng); tu sửa, nâng cấp 65 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 262 hộ gia đình người có công;…
Thành phố cũng quyết định 2 mức quà tặng (bằng tiền mặt) 1.000.000 đồng/người (Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; đại diện thân nhân của liệt sĩ; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp) và 500.000 đồng/người (đại diện gia tộc thờ cúng liệt sĩ)...
Đúng như chiều sâu mạch nguồn "đền ơn đáp nghĩa" - không chỉ trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các hoạt động tri ân mới được quan tâm. Chính sách với người có công luôn được điều chỉnh kịp thời nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu xã hội.
Mới nhất, ngày 1-7-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, theo đó nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp từ 1.515.000 đồng lên 1.624.000 đồng/tháng/người.
Với sự điều chỉnh này, tổng kinh phí mức tăng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng là khoảng 716 tỷ đồng. Và mức tăng trợ cấp, phụ cấp kể trên được thực hiện ngay từ ngày 1-7 dù đến ngày 15-8-2019, Nghị định mới có hiệu lực thi hành. Đó là minh chứng rõ nét khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công.
6 năm qua, Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công cũng được triển khai rộng khắp trên cả nước. Các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân đã chung tay huy động hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 200.000 gia đình người có công có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Với kết quả đã đạt được, tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 27-6-2019, Chính phủ quyết định tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người có công về nhà ở đến hết năm 2019.
Thực hiện chính sách nhân văn này, trong giai đoạn 2013-2017, thành phố Hà Nội chủ động ứng trước ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ tối thiểu 70 triệu đồng/hộ xây mới, 30 triệu đồng/hộ sửa chữa (cao hơn nhiều so với mức hỗ trợ 40 triệu đồng và 20 triệu đồng quy định tại Quyết định 22/2013/QĐ-TTg).
Dù đến năm 2017, Hà Nội cơ bản không còn gia đình người có công khó khăn về nhà ở, nhưng UBND thành phố vẫn yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, sử dụng nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa hỗ trợ 262 gia đình người có công có nhu cầu sửa chữa, xây dựng mới nhà ở.
Tất cả cho thấy, hoạt động tri ân thương binh, liệt sĩ, người có công luôn được Đảng, Nhà nước và toàn dân quan tâm, triển khai thực hiện rộng khắp; không chỉ trong những ngày tháng 7 ý nghĩa mà đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục.
Hoạt động ý nghĩa này chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy, đẩy mạnh trong thời gian tới để không chỉ xoa dịu nỗi đau mất mát của chiến tranh, mà thiết thực góp phần giúp gia đình chính sách vươn lên cùng cộng đồng xây dựng xã hội ngày càng văn minh, phồn thịnh.