Đột quỵ “tấn công” người trẻ
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:05, 22/07/2019
Thiếu niên cũng có thể bị đột quỵ
Khởi phát với triệu chứng đột ngột: Đau đầu, nôn nhiều lần, ý thức chậm dần, 5 giờ sau, nữ bệnh nhân Trịnh Thị Thanh T. (18 tuổi, ở Hà Nội) được chuyển tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 trong tình trạng hôn mê sâu, không có phản xạ, liệt tứ chi...
Tại đây, kết quả chụp cắt lớp sọ não, mạch não cho thấy, T. bị đột quỵ não, tổn thương chảy máu toàn bộ hệ thống não thất, biến chứng giãn não thất... Bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao, nếu không được cấp cứu kịp thời. Sau 40 ngày kết hợp nhiều phương pháp điều trị, bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Không may mắn như bệnh nhân T., anh Nguyễn Văn V. (39 tuổi ở tỉnh Hòa Bình) đã không qua khỏi sau cơn đột quỵ ập đến bất ngờ. Theo người nhà anh V., trước khi được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khoảng 1 ngày, anh V. xuất hiện trạng thái đau đầu. Dù uống thuốc nhưng cơn đau không giảm mà tăng lên, khiến anh V. co giật toàn thân kèm theo nôn ói và nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê. Mặc dù được phẫu thuật và điều trị tích cực, nhưng anh V. đã tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đột quỵ hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới, sau bệnh tim mạch và ung thư. Cứ 6 người thì có 1 người tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ, trong đó, tỷ lệ đột quỵ não được dự báo sẽ tăng nhanh và lên tới 1,2 triệu người mắc mới mỗi năm trên thế giới vào năm 2025.
Còn ở Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân tử vong và gây tàn phế hàng đầu. Khoảng 3 năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì bệnh này không ngừng tăng, từ 1,7% lên 2,5%, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới mỗi năm, trong đó gần 50% số người tử vong.
Trong số 50% bệnh nhân được cứu sống, chỉ 10% bình phục hoàn toàn, 90% còn lại phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động như: Rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý… Tỷ lệ nam giới bị đột quỵ cao gấp 4 lần nữ giới và độ tuổi bị đột quỵ ở nước ta đang ngày càng trẻ hóa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) có hai thể khác nhau.
Một là, đột quỵ thiếu máu cục bộ não (chiếm khoảng 85%), xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, hẹp do xơ vữa động mạch.
Hai là, đột quỵ chảy máu não (chiếm khoảng 15%), xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh não.
Đột quỵ thường do mạch máu não bị dị dạng, do các bệnh về máu, liên quan đến tim mạch, cao huyết áp... Các nguyên nhân gây bệnh hiện không thay đổi nhiều so với trước. Song, lý do khiến đột quỵ tăng lên ở người trẻ, chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống và lối sống.
Qua phân tích những bệnh nhân đột quỵ được điều trị phục hồi chức năng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, hơn 50% bệnh nhân nội trú tại trung tâm là do đột quỵ não. Nếu nguyên nhân tăng huyết áp chiếm từ 50% đến 60% ca cấp cứu đột quỵ ở nhóm tuổi ngoài 30, thì ở nhóm dưới 20 tuổi chủ yếu là do dị dạng mạch máu não. Thậm chí, có cháu bé chỉ 14-15 tuổi cũng bị đột quỵ do vỡ phình mạch máu não.
“Đột quỵ ngày nay không còn là bệnh đến khi về già mới lo, mà người trẻ tuổi cũng cần chú ý, nếu gia đình có tiền sử tăng huyết áp, bản thân bị rối loạn chuyển hóa, thừa cân béo phì, đái tháo đường…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Tuấn Khanh nhấn mạnh.
Còn theo bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, lối sống công nghiệp với những bữa ăn qua loa, vội vàng cùng các loại thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ dễ dẫn đến thừa cân, béo phì. Bên cạnh đó, thói quen ngồi một chỗ, thường xuyên uống bia, rượu cùng với áp lực công việc…, khiến người trẻ tuổi có thể đối mặt với nguy cơ đột quỵ.
Đừng để mất “thời gian vàng”
Để giảm thiểu hậu quả do đột quỵ gây ra, bác sĩ Nguyễn Xuân Tú, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tim Hà Nội lưu ý, sai lầm phổ biến của người nhà là cho bệnh nhân đột quỵ nằm yên, xoa dầu, chích máu ngón chân, ngón tay làm tăng nguy cơ nhiễm trùng…, thậm chí cho uống “An cung ngưu hoàng hoàn” mà không đánh giá được nguồn gốc của thuốc.
Điều này làm mất “thời gian vàng” cấp cứu bệnh nhân - đó là khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ, tính từ lúc bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu: Đau đầu, chóng mặt, méo miệng, nhìn mờ, đột ngột yếu, tê mặt, tay chân… Bên cạnh đó, phục hồi chức năng sau đột quỵ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp bệnh nhân lấy lại sức khỏe, nhận thức và khả năng vận động.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Tuấn Khanh, nếu bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu đúng, đến viện điều trị kịp thời, tập luyện sớm, đúng cách, thì sau từ 4 đến 6 tuần tập luyện, có tới 70-80% bệnh nhân có thể đi lại với sự giúp đỡ của người khác hoặc dụng cụ hỗ trợ. Mốc thời gian sức khỏe của bệnh nhân tiến triển rõ rệt nhất là trong 3 tháng đầu sau đột quỵ.
Điều đáng nói là bản thân người nhà và người bệnh thường lo khi tập vận động sẽ bị tái phát hoặc bị chảy máu não trở lại nên có người nằm tuyệt đối trên giường 5-6 tháng. Điều này sẽ làm mất cơ hội để phục hồi chức năng.
“Bệnh nhân sau đột quỵ não cần tập phục hồi chức năng ngay khi ổn định. Thậm chí, 3-4 ngày sau đột quỵ, khi còn nằm trên giường bệnh, bác sĩ đã khuyến cáo tập phục hồi chức năng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Tuấn Khanh nói.
Để phòng ngừa nguy cơ bị đột quỵ, theo bác sĩ Phạm Văn Cường, những người trẻ tuổi cần sớm thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn với nhiều rau xanh, giảm đường, giảm chất béo và muối, đồng thời duy trì thời gian rèn luyện thể lực. Người có rối loạn chuyển hóa, thừa cân hoặc béo phì phải duy trì khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm các chỉ số để dự phòng bệnh sớm.