Đào tạo, sát hạch lái xe: Tăng giám sát, nâng chất lượng
Kinh tế - Ngày đăng : 08:43, 22/07/2019
Nhiều bên cùng giám sát
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại sân thực hành sát hạch lái xe của Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hoàng Gia (huyện Bình Chánh), tất cả các bài thi trên sa hình đều được hệ thống camera theo dõi. Ô tô đều được gắn thiết bị cảm ứng.
Vừa mới thi bài thực hành trên sa hình hạng B2, anh Lê Phú Đức (ở quận Tân Bình) cho biết, khi thi thực hành dưới sự giám sát của hệ thống camera, học viên sẽ tăng tính kỷ luật và giảm tiêu cực trong sát hạch. Tương tự, vừa ra khỏi phòng thi lý thuyết ở cơ sở của Trường Trung cấp Giao thông Tiến Bộ (huyện Củ Chi), anh Hồ Quốc Đại (ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ, nhà trường đã trang bị phòng thi rộng rãi. Thí sinh ngồi cách ly, có máy tính riêng để thực hiện bài thi. Học viên sẽ không có cơ hội quay cóp, trao đổi. “Điều này giúp đánh giá thực chất năng lực của từng người, không thể gian lận”, anh Đại nhận xét.
Thời gian qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Không ít trong số này, lỗi thuộc về người điều khiển ô tô. Để góp phần hạn chế điều này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thí điểm triển khai giám sát trực tuyến để nâng cao chất lượng sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại 4 thành phố lớn, trước khi triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, từ trước năm 2017, khi các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe chưa triển khai đồng loạt lắp đặt hệ thống camera giám sát quá trình sát hạch, vẫn xảy ra trường hợp thí sinh khiếu nại kết quả. Nhưng từ năm 2017 đến nay, khi đưa hệ thống camera vào giám sát, những trường hợp khiếu nại giảm hẳn bởi tất cả các bài thi đều được camera ghi lại. Khi học viên phản ứng, hội đồng thi sẽ cho xem lại quá trình thi, các lỗi được chứng minh rõ ràng. Không những vậy, hệ thống camera giám sát trực tuyến nên mọi diễn biến trong quá trình thi đều được nhiều bên giám sát chặt chẽ.
Từ khi có hệ thống camera giám sát, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đã phát hiện nhiều trường hợp học viên gian lận. Cụ thể, từ tháng 6-2019 đến nay, Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) đã phát hiện 2 học viên sử dụng điện thoại di động kết nối với người bên ngoài nhắc bài trong khi thi; 5 trường hợp sử dụng các thiết bị điện tử như: Tai nghe, máy phát tín hiệu để gian lận… Hội đồng giám sát thi cử đã đình chỉ thi và chuyển các trường hợp này về Sở Giao thông - Vận tải xử lý theo quy định.
Tạo sự đồng bộ
Thực tế cho thấy, khi cơ quan quản lý nhà nước siết chặt việc đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe, lượng thí sinh không đạt yêu cầu trong các phần thi lý thuyết và thực hành đã tăng lên đáng kể. Có người phải thi lại lý thuyết và thực hành nhiều lần.
Phục vụ công tác triển khai thí điểm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cung cấp cho 4 địa phương phần mềm tích hợp hình ảnh và đường truyền dung lượng lớn để tiếp nhận hình ảnh và theo dõi quá trình thi lý thuyết và sát hạch thực hành lái xe. Nhận xét về cách làm mới này, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hoàng Gia cho rằng, để tăng cường hơn nữa công tác giám sát của cơ quan nhà nước, việc triển khai thí điểm kết nối là rất cần thiết, tạo sự đồng bộ ngay từ việc giám sát công khai, minh bạch của các trung tâm sát hạch, nâng cao chất lượng việc cấp bằng lái ô tô.
Theo ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe, khi thành phố Hồ Chí Minh được chọn làm thí điểm, đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện đến 9 trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe loại 1 và 2. Thuận lợi là các trung tâm đều có cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cơ sở vật chất khá đồng bộ. Nhưng khi tham gia thí điểm, các trung tâm này đã phải nâng cấp hệ thống camera bảo đảm quan sát toàn bộ phòng thi lý thuyết, không có góc khuất. Đối với phần thi thực hành, phải giám sát được các vị trí sân sát hạch như: Vị trí xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe... đúng theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo đánh giá của ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp bằng lái ô tô trên địa bàn thành phố tham gia triển khai thí điểm đợt này đã hoàn tất việc nâng cấp hệ thống thiết bị cơ sở vật chất như: Camera IP tiêu chuẩn, đường truyền, phần mềm tích hợp dữ liệu hình ảnh, máy chủ lưu trữ dữ liệu sát hạch… kết nối tốt với Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Qua đó sẽ giám sát hiệu quả công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.