Phát huy “cầu nối” giữa Đảng với dân
Chính trị - Ngày đăng : 06:11, 22/07/2019
Những con số “biết nói”
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Bùi Anh Tuấn, từ năm 2015 đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cùng HĐND, UBND thành phố đã ký quy chế phối hợp. Trước khi tổ chức hội nghị phản biện, Mặt trận đều khảo sát thực tế với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến nhân dân.
Tính trong 5 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tổ chức 48 cuộc giám sát chuyên đề. Cấp huyện và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện gần 1.200 cuộc; tham gia với các cơ quan nhà nước giám sát hơn 3.000 cuộc. Cấp xã, phường, thị trấn cũng tổ chức giám sát 7.440 cuộc, phối hợp giám sát hơn 19.500 cuộc.
Các ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tham gia giám sát trên 57.000 cuộc đối với các công trình, dự án triển khai tại địa bàn; qua đó đã kiến nghị thu hồi hơn 250.000m2 đất và hơn 15 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Năm, phường Đội Cấn (quận Ba Đình) cho biết: “Các vấn đề giám sát của Mặt trận luôn bám sát đời sống nên người dân rất tin tưởng. Mặt khác, việc nhân dân trực tiếp tham gia giám sát công trình, dự án đã góp phần bảo đảm hiệu quả đầu tư, tạo nên không khí dân chủ”.
Đặc biệt, Quyết định 217-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 12-12-2013 ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" được xem là “đòn bẩy” làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động phản biện xã hội, nhất là ở cấp xã.
Nhờ đó, giai đoạn 2014-2019, Mặt trận Tổ quốc các xã, phường, thị trấn của Hà Nội đã tổ chức hơn 2.500 hội nghị phản biện về các nội dung thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Một số đơn vị như: Ba Đình, Sơn Tây, Thanh Trì, Ứng Hòa, Phú Xuyên... đã tổ chức được 3-4 hội nghị phản biện trong một năm.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định: “Đạt được những kết quả trong công tác giám sát, phản biện xã hội thời gian qua phải kể đến vai trò của Mặt trận các cấp trong việc bám sát tình hình địa phương để xác định, đề xuất nội dung giám sát, phản biện phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nguyện vọng của nhân dân”.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Lan Hương, đáng lưu ý là trong quá trình giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã phát huy được trí tuệ, kiến thức của nhiều chuyên gia, trí thức, nhà khoa học.
Vẫn cần gỡ khó
Tuy nhiên nhìn tổng thể, việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thắm cho biết: “Vẫn còn địa phương chưa chủ động, chủ yếu giám sát theo hình thức phối hợp; một số nơi lựa chọn nội dung giám sát chưa phù hợp với thực tế của địa phương”.
Trong khi đó, ông Phạm Hoàng Long, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, đội ngũ cán bộ tham mưu công tác giám sát, phản biện của một số địa phương còn hạn chế về năng lực, trình độ và phải kiêm nhiệm.
Mặt khác, một bộ phận cán bộ Mặt trận có tâm lý ngại va chạm, không dám nêu chính kiến; một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tổ chức giám sát...
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Đống Đa Đỗ Trọng Nam nêu: “Việc tiếp thu ý kiến và giải quyết kiến nghị sau giám sát của Mặt trận ở nhiều nơi chưa kịp thời, làm giảm hiệu quả công tác giám sát”.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - Pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đề xuất: “Công tác giám sát nói riêng và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nói chung cần có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự thống nhất của các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên. Đây chính là chìa khóa của thành công và cần phải được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ tới”.
Nhiệm kỳ 2019-2024, bên cạnh việc giải quyết những khó khăn trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ chủ động nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Mặt khác, đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp cũng phải nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công tác.
Làm được như vậy, công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ đạt được những kết quả khả quan hơn, xứng đáng là “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Thực hiện Quyết định 217-QĐ/TƯ, Quyết định 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu cả nước trong việc chủ động hướng dẫn các cấp cơ sở triển khai công tác này”.