Về việc nhà hàng, công trình nổi hoạt động trái phép trên sông Hồng: Cần kiên quyết xử lý
Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 23/07/2019
Vi phạm vẫn tồn tại
Ngày 9-7-2019, Báo Hànộimới có bài phản ánh:“Nhà hàng, công trình nổi hoạt động trái phép trên sông Hồng: Chậm được xử lý”, đã nêu nhiều nhà hàng, công trình nổi đoạn sông Hồng thuộc một số quận của Hà Nội có nhiều vi phạm như: Không có quyết định giao, cho thuê mặt nước; không giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; không giấy phép kinh doanh; không giấy phép neo đậu tàu thuyền...
Sai phạm đã rất rõ, song đến hết ngày 5-7, chỉ nhà nổi Cù lao sông Hồng, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) được tháo dỡ và di chuyển ra khỏi khu vực. Còn lại, 3 nhà hàng nổi thuộc phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) gồm Sông Hồng View, Phương Linh, Bếp Ngư Ông; một số vi phạm tại bến thủy nội địa, số 48 Chương Dương (K180+450 - K180+600), phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) do Công ty cổ phần Thăng Long GTC quản lý, sử dụng; công trình nhà nổi tại K180+300, phường Chương Dương do Công ty cổ phần Phụ tùng Hoàng Kim (Công ty Hoàng Kim) quản lý và sử dụng chưa được xử lý.
Sáng 22-7, khảo sát của phóng viên tại phường Ngọc Thụy cho thấy, việc xử lý 3 nhà hàng nổi không phép kể trên vẫn “án binh bất động”. Theo phản ánh của một số người dân tổ dân phố 2, phường Ngọc Thụy, đến nay nhà hàng Sông Hồng View và Phương Linh vẫn đón khách... Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy lại khẳng định, UBND phường đã gửi công văn đề nghị các đơn vị liên quan ngừng cung cấp điện, nước cho các nhà hàng và các nhà hàng đã dừng hoạt động(?).
Cùng ngày, quan sát tại bến thủy nội địa, số 48 Chương Dương, phường Chương Dương, nhà hàng nổi Kiều Gia và các hạng mục phụ trợ phục vụ kinh doanh ăn uống do Công ty cổ phần Thăng Long GTC liên danh, liên kết với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kiều Gia (Công ty Kiều Gia), Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Trường Thành (Công ty Trường Thành) vẫn đón khách, trong khi hầu hết các sai phạm tại đây chưa được khắc phục...
Không thể chần chừ!
Trước thực trạng vi phạm chậm được xử lý, ngày 10-7-2019, UBND phường Chương Dương tiếp tục tổ chức cuộc họp với các cơ quan chức năng làm rõ sai phạm. Tại buổi làm việc, đại diện Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, tại bến thủy nội địa, số 48 Chương Dương có 3 đơn vị đang hoạt động, nhưng chỉ có 1 đơn vị được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa là Công ty cổ phần Thăng Long GTC. Công trình nổi của Công ty Hoàng Kim không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, chỉ có giấy thỏa thuận vùng nước đường thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, nhưng đều đã hết hạn.
Cũng tại buổi kiểm tra, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xác định: Việc Công ty cổ phần Thăng Long GTC có hợp đồng cho thuê nhà nổi với Công ty Kiều Gia, Công ty Trường Thành để kinh doanh nhà hàng... là sai mục đích quy định trong giấy phép hoạt động bến thủy nội địa do Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cấp.
Ông Phạm Việt Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Chương Dương cho biết: “UBND phường đã đề nghị Công ty cổ phần Thăng Long GTC chấm dứt hợp đồng liên danh, liên kết với Công ty Kiều Gia, Công ty Trường Thành; di dời toàn bộ công trình, nhà nổi, phương tiện ra khỏi địa bàn trước ngày 27-7-2019. Đối với Công ty Hoàng Kim, UBND phường yêu cầu khẩn trương bổ sung các loại giấy tờ đã được cơ quan chức năng gia hạn trước ngày 31-7-2019. Sau thời hạn trên, nếu các đơn vị không thực hiện, UBND phường Chương Dương sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý theo quy định, đồng thời đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động đã cấp cho Công ty cổ phần Thăng Long GTC”.
Tại quận Long Biên, vi phạm diễn ra từ lâu nhưng đến ngày 19-7 vừa qua, UBND quận mới tổ chức họp về việc xử lý các nhà hàng nổi trên sông Hồng thuộc phường Ngọc Thụy. Theo đó, UBND quận giao các phòng chức năng tham mưu, sớm hoàn thiện hồ sơ để quận ban hành quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu chủ đầu tư các nhà hàng khắc phục hậu quả; nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế. Ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết: “Hiện chủ đầu tư các nhà hàng đã cam kết tự tháo dỡ bục bệ, cầu dẫn lên xuống nhà hàng. UBND phường đang giao công an phường, lực lượng chức năng giám sát việc thực hiện cam kết trên”.
Trao đổi với phóng viên về thực trạng nêu trên, ông Hoàng Minh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết: Để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam yêu cầu Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc có biện pháp xử lý với các nhà hàng, công trình nổi sử dụng phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm, hết hạn đăng kiểm hoặc hoán cải mà không đăng ký, đăng kiểm lại, dẫn đến không bảo đảm các điều kiện hoạt động theo quy định. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các nhà hàng nổi vi phạm phạm vi, hành lang bảo vệ luồng và khu vực cấm neo đậu.
Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt kể trên, những nhà hàng, công trình nổi vi phạm sẽ sớm bị xử lý nhằm bảo đảm an toàn giao thông khi mùa mưa bão cận kề.