Tạm dừng công tác khai quật tàu cổ đắm ở cảng Dung Quất
Công nghệ - Ngày đăng : 09:07, 24/07/2019
Tàu cổ bị đắm ở cảng Hào Hưng, thuộc khu vực cảng Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được trục vớt với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, nhưng kết quả thu được chủ yếu là những mảnh vỡ vụn.
Trong khi đó, con tàu được dự đoán là “có chứa nhiều gốm sứ cao cấp thời Minh (Trung Quốc), niên đại khoảng thế kỷ XVI”.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, kết quả bước đầu khai quật đã trục vớt được một số di vật của tàu như: Thanh đà mũi tàu, mảnh gỗ tàu, đầu ròng rọc kéo neo, đinh sắt đóng tàu, khóa đồng... Những di vật trên là minh chứng rõ nét cho sự tồn tại của con tàu cổ ở khu vực này.
Tuy nhiên, từ những dấu tích gỗ thân tàu và di vật xuất lộ, cho thấy xác tàu đã bị vùi lấp trong gầm cầu cảng, rất khó nghiên cứu và trục vớt.
Cùng với những dấu tích của tàu, còn có hàng hóa là đồ gốm sứ nguồn gốc Trung Quốc. Số lượng thu được khoảng gần 10.000 tiêu bản, hiện vật, đa phần trong tình trạng vỡ mảnh.
Có một số tiêu bản tìm được nhiều mảnh vỡ, có thể gắn chắp, phục dựng nguyên dáng. Dòng men chủ yếu là đồ sứ hoa lam, một số khác là sứ men trắng. Loại hình tập trung vào đồ gia dụng như bát, đĩa, bình, lọ...
Qua nghiên cứu và đối sánh tư liệu, có thể xác nhận những sản phẩm hàng hóa gốm sứ trên tàu cổ đều được sản xuất trong giai đoạn Vạn Lịch thời Minh (1573-1620), có nguồn gốc sản xuất từ các lò Cảnh Đức Trấn tỉnh Giang Tây, lò Đức Hóa tỉnh Phúc Kiến (đối với đồ sứ cao cấp) và các lò gốm ở tỉnh Quảng Đông (đối với đồ sứ bình dân).
Kết quả khai quật có ý nghĩa và giá trị khoa học cao, góp phần bổ sung tư liệu và nhận thức mới về lịch sử gốm sứ và lịch sử giao thương trên vùng biển Việt Nam.
Sưu tập hiện vật tìm thấy ở đây, sau khi xử lý bảo quản, gắn chắp, phục dựng và giám định sẽ rất có giá trị trong công tác nghiên cứu và phát huy trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam.
Tuy nhiên, do mặt bằng di tích thay đổi bởi việc xây dựng cầu cảng, diện tích khai quật thu hẹp, nên việc trục vớt xác tàu và hiện vật không đạt được kết quả như mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho hay: “Quá trình khai quật xác nhận có xác con tàu cổ đắm tại vị trí khai quật. Tuy nhiên, khi khai quật, con tàu cổ bị đắm không còn nguyên vẹn, hiện vật thu được cũng không đáng kể. Những hiện vật không nguyên vẹn nên chỉ có giá trị về mặt nghiên cứu khoa học. Việc đánh giá và tổng hợp đều do Bảo tàng Lịch sử quốc gia - đơn vị chủ trì công tác khai quật - phụ trách. Theo tôi được biết thì đơn vị phụ trách khai quật đang tạm dừng khai quật để xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
Trước đó, tháng 8-2017, trong quá trình thi công cảng Hào Hưng, đơn vị thi công phát hiện con tàu đắm chứa nhiều cổ vật.
Đến tháng 7-2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định cho phép Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi khai quật với kinh phí 48,4 tỷ đồng.
Đây là con tàu cổ đầu tiên ở Việt Nam được khai quật mà không có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài và các công ty tư nhân. Diện tích khai quật khoảng 800m2, trong phạm vi bán kính 100m từ vị trí tàu đắm. Thời gian khai quật dự kiến đến ngày 15-9-2018.
Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên công tác khai quật được gia hạn đến ngày 31-5-2019.