Hội thảo “Công đoàn Việt Nam - 90 năm xây dựng và phát triển”
Chính trị - Ngày đăng : 13:50, 24/07/2019
Hội thảo là sự kiện lớn nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019) nhằm nhìn lại chặng đường 90 năm đã qua của tổ chức Công đoàn Việt Nam, đúc rút những thành tựu, bài học kinh nghiệm đã đạt được, tạo tiền đề vững chắc về lý luận để tổ chức Công đoàn vững bước tiến vào giai đoạn phát triển mới.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan liên quan.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, trải qua chặng đường vẻ vang 90 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được rèn luyện qua nhiều thử thách, các thế hệ công nhân và người lao động Việt Nam đã không ngừng cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, anh dũng chiến đấu, cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Trong quá trình cách mạng 90 năm qua, được Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, từ chỗ chỉ chiếm một số ít trong cơ cấu lao động của đất nước, chủ yếu là công nhân làm việc trong các đồn điền, hầm mỏ, công xưởng nhỏ, ngày nay, giai cấp công nhân đã trở thành một lực lượng hùng mạnh, tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển của đất nước.
Tổ chức Công đoàn không chỉ là người đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động mà còn là tổ chức để tập hợp, giáo dục công nhân, người lao động phấn đấu vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vì sự phồn vinh của đất nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, trước tác động của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tổ chức Công đoàn cùng với giai cấp công nhân, người lao động đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Tổ chức Công đoàn phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động, để Công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc, giữ vững vai trò hạt nhân trong bảo vệ quyền lợi cho công nhân, người lao động...
Hội thảo được tổ chức thành 3 phiên với các chủ đề: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và những vấn đề lý luận cơ bản về tổ chức Công đoàn Việt Nam; đánh giá những đóng góp xuất sắc của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong 90 năm xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng; thời cơ, thách thức và những định hướng lớn đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung khái quát và khẳng định những cống hiến nổi bật, những thành tựu xuất sắc trong hoạt động công đoàn và phong trào công nhân Việt Nam suốt 90 năm qua; đánh giá cơ hội, thách thức và đề xuất định hướng, giải pháp cho hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Theo đó, các đại biểu đề nghị, nhiệm vụ trung tâm trong giai đoạn 2018-2023 của Công đoàn Việt Nam là nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao.
Cấp trung ương phải chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, thành lập hội đồng tư vấn chính sách, nghiên cứu xây dựng khung thỏa ước lao động tập thể.
Cấp tỉnh, thành phố hình thành mạng lưới luật sư, luật gia, thực hiện quyền và trách nhiệm tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động tại tòa án, xây dựng đội ngũ chuyên gia về thỏa ước lao động tập thể.
Cấp trên trực tiếp cơ sở tăng cường tư vấn, hỗ trợ công đoàn cơ sở trong đối thoại tại nơi làm việc.
Cấp cơ sở phải tham gia giải quyết ngay từ đầu các vướng mắc, bức xúc của người lao động, nâng cao chất lượng thương lượng và thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại đơn vị, doanh nghiệp.
Các cấp Công đoàn phải phối hợp chặt chẽ, liên kết giải quyết hiệu quả quyền lợi của người lao động về việc làm, cải thiện nhu cầu đời sống thiết yếu, đẩy mạnh các chương trình phúc lợi, vì quyền lợi đoàn viên.
Bên cạnh đó, Công đoàn phải có nhiều mô hình hoạt động sát hợp với nhu cầu của đoàn viên, hướng đến các mục tiêu cốt lõi của tổ chức Công đoàn Việt Nam…