Số ca mắc sốt xuất huyết ở mức cao, vì sao?
Xã hội - Ngày đăng : 15:38, 25/07/2019
Hà Nội đã ghi nhận hơn 1.370 ca mắc sốt xuất huyết
- Xin ông cho biết về tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố hiện nay?
- Theo thống kê, trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 169 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue. Mặc dù số ca mắc mới đã giảm so với tuần liền trước nhưng vẫn ở mức cao. 169 trường hợp mắc này được phân bố tại 82 xã, phường thuộc 20 quận, huyện. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 1.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, không có trường hợp tử vong.
Ảnh: Hương Thủy
Số ca mắc đến thời điểm này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Bệnh nhân phân bố ở 272/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 47%) thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại, còn 140/1.372 bệnh nhân đang điều trị (chiếm 10%). Một số quận, huyện có số mắc cộng dồn cao là: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thường Tín, Hoàng Mai.
- Nguyên nào khiến số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội ở mức cao trong những tuần gần đây?
- Năm nay, bệnh sốt xuất huyết đến sớm hơn và có chiều hướng cao hơn năm 2018. Ngay từ tháng 3 đã xuất hiện khá nhiều ca bệnh. Nguyên nhân là do sự biến đổi của khí hậu. Theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2019 có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ trung bình nhiều năm từ 1 đến 1,5 độ C.
Bên cạnh đó là sự gia tăng của tình trạng di biến động dân cư. Những người dân ở các vùng không có bệnh sốt xuất huyết lưu hành hoặc lưu hành nhẹ khi đi vào vùng có bệnh sốt xuất huyết lưu hành như Hà Nội sẽ dễ bị mắc bệnh. Chưa kể, thời điểm này đang là cao điểm của bệnh sốt xuất huyết.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
- Ngành y tế Thủ đô đã thực hiện những biện pháp gì đề phòng, chống dịch bệnh?
- Để chủ động trong công tác phòng chống dịch nói chung và phòng chống bệnh sốt xuất huyết nói riêng, ngành y tế Hà Nội đã kịp thời tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố có các văn bản chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể tăng cường triển khai các hoạt động cụ thể để chủ động ngăn chặn sự gia tăng của bệnh như: Tổ chức ký cam kết trách nhiệm giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, qua đó phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành từ thành phố đến địa phương; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải để loại trừ ổ bọ gậy và các chiến dịch phun hóa chất chủ động để diệt muỗi truyền bệnh.
Tính từ đầu năm đến nay, hơn 1.000 đợt vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và 97 đợt phun hóa chất chủ động tại khu vực có nguy cơ cao đã được thực hiện. Nhờ vậy, các trường hợp mắc bệnh mới chỉ xảy ra rải rác, chưa tập trung thành ổ dịch.
- Trong quá trình thực hiện phòng chống dịch bệnh (diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành...), cán bộ y tế gặp những khó khăn gì, thưa ông?
- Hiện nay, công tác phòng chống dịch đã được sự quan tâm vào cuộc của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là sự hợp tác của người dân. Một bộ phận không nhỏ người dân vẫn coi việc phòng chống dịch là của riêng ngành y tế. Trong khi đó, nếu không có sự chung tay của cả cộng đồng thì công tác phòng chống dịch sẽ không được thực hiện một cách triệt để. Từ đó sẽ tạo ra những vùng trắng, không khống chế được sự phát sinh của mầm bệnh cũng như sự phát triển của trung gian truyền bệnh là muỗi vằn.
Chúng tôi rất mong mỗi người dân sẽ trở thành một cộng tác viên của ngành y tế, tự biết cách phòng bệnh cho bản thân và gia đình. Cụ thể, mỗi tuần bỏ ra 15 phút để kiểm tra trong khuôn viên gia đình nhằm phát hiện các ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và loại bỏ chúng.
Đồng thời, người dân cần tích cực phối hợp tốt với ngành y tế trong các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để 100% hộ gia đình trong khu vực cần phun hóa chất được phun đầy đủ, phun ở mọi không gian trong khuôn viên hộ gia đình; khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần đến các cơ sở y tế để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời. Sự chung tay của toàn xã hội sẽ là chìa khóa của sự thành công trong công tác phòng chống dịch.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!