Xét xử Hưng "kính" và đồng bọn: Lời khai của bị cáo mâu thuẫn với nhân chứng
Pháp đình - Ngày đăng : 08:51, 25/07/2019
Phiên tòa được mở lại sau lần tạm hoãn từ phiên xét xử ngày 11-7.
Cùng hầu tòa với Hưng "kính" còn có 4 bị cáo khác gồm: Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”, SN 1970), Lê Thanh Hải (Hải “gió”, SN 1963), Nguyễn Mạnh Long (Long “cao”, SN 1962) và Dương Quốc Vương (Vương “lợn”, SN 1968).
Đúng 8h43 phút, phiên tòa bắt đầu diễn ra. Dù vắng mặt một nhân chứng nhưng theo quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, trong quá trình điều tra, nhân chứng này đã có đầy đủ lời khai nên không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Hội đồng xét xử đồng tình với quan điểm này nên phiên tòa tiếp tục diễn ra.
Hội đồng xét xử cho biết, do bị cáo Hưng "kính" bị đau chân nên được ngồi để trả lời các câu hỏi.
Phần kiểm tra nhân thân xác định bị cáo Hưng "kính" đã từng bị cơ quan chức năng xử lý hành chính về nhiều hành vi như hiếp dâm, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải.
Sau phần công bố cáo trạng vụ án của đại diện Viện kiểm sát, chủ tọa phiên xét xử, thẩm phán Mai Văn Quang bắt đầu xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Long. Bị cáo này thừa nhận về những hành vi của mình được nêu trong cáo trạng và bị cáo bị truy tố về tội “cưỡng đoạt tài sản” là “đúng người đúng tội”. Tuy nhiên, những lời khai của bị cáo về việc thu tiền bốc dỡ tại chợ lại khác với lời khai tại cơ quan điều tra.
Chị Nghiêm Thúy Nga, bị hại trong vụ án, khẳng định lời khai của bị cáo Long là hoàn toàn không đúng sự thật. Trong suốt quá trình kinh doanh mặt hàng hoa quả tại chợ Long Biên, hai vợ chồng chị chưa hề thuê nhân viên của tổ bốc xếp số 2 do Hưng “kính” làm tổ trưởng. Tuy nhiên, vẫn có các nhân viên của tổ này nhảy lên xe hàng hoặc cho người nghiện ma túy tới uy hiếp, bắt phải nộp tiền phí bốc dỡ. Bị cáo Lê Thanh Hải đã nhiều lần chửi và uy hiếp bị cáo ngay tại chợ.
Anh Hoàng Anh Hà, chồng chị Nga cho biết, do mặt hàng hoa quả khi đưa về chợ là phải có chỗ bốc dỡ, nếu không sẽ mất tươi nên các bị cáo đã nhằm trúng vào thời gian này để gây khó khăn, buộc hộ kinh doanh của anh chị phải đáp ứng các yêu cầu.
“Bị cáo Hưng từng tuyên bố sẽ tiêu diệt tôi, cho tôi ra khỏi chợ. Vợ chồng tôi đã phải nộp tiền để yên ổn làm ăn”, chị Nga lý giải với chủ tọa về nguyên nhân chị buộc phải nhiều lần đưa tiền cho các bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Kim Hưng khai cáo trạng quy kết về tội danh của bị cáo có phần đúng, phần chưa đúng. Bị cáo vào làm việc tại chợ từ năm 1991, được phân công làm Tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 với nhiệm vụ chính là triển khai công việc từ Ban Quản lý chợ đến các nhân viên trong tổ.
Về việc thu tiền của các hộ kinh doanh không theo mẫu do Ban Quản lý chợ phát hành được bị cáo lý giải là do mẫu cũ bản lớn, khi gặp trời mưa dễ nát nên bị cáo đã dùng bản kê nhỏ hơn để thuận lợi cho công việc, chứ không nhằm mục đích gian dối.
Giải thích về việc không cho các xe hàng của chị Nga đỗ tại ki-ốt kinh doanh, Hưng khai bởi việc đỗ xe gây ách tắc và ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy tại chợ.
Chị Nga trình bày thêm, trước sự chèn ép, đe dọa của Hưng và nhóm nhân viên, chị đã 5 lần làm đơn lên Ban Quản lý chợ. Ban Quản lý chợ đã triệu tập các bên để giải quyết. Tuy nhiên, các nhân viên trong tổ của Hưng “kính” chỉ thu đúng theo quy định được khoảng 5 ngày, sau đó lại tự ý thu tăng lên và có nhiều hành động “trừng phạt” như dùng xe và mang các bao cá thối đến chặn trước cửa ki-ốt kinh doanh của chị.
Cung cấp thông tin tới Hội đồng xét xử, đại diện Ban Quản lý chợ thừa nhận đã 5 lần nhận được đơn trình báo của chị Nga và đều đã giải quyết, yêu cầu hai bên cam kết thực hiện đúng các quy định.
Về trách nhiệm của Ban Quản lý chợ trong vụ việc này, theo Chủ tọa, cơ quan điều tra đã bóc tách nội dung này để tiếp tục điều tra, làm rõ thêm.
“Bị cáo suy nghĩ gì về việc làm của mình?”- Trả lời câu hỏi trên của Chủ tọa, bị cáo Hưng “kính” thừa nhận đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong thời gian dài vì bị bệnh tật. Tuy nhiên, bị cáo phủ nhận vai trò chỉ đạo các bị cáo khác. Số tiền thu được đều nộp về và do Ban Quản lý chợ quản lý.
Trước câu trả lời này, Chủ tọa lưu ý bị cáo, nếu việc thu tiền theo đúng quy định thì vụ án này đã không xảy ra. Quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng đã thu thập được nhiều tài liệu và nhân chứng cho thấy trên thực tế, các bị cáo không bốc dỡ hàng hóa mà vẫn thu tiền và có nhiều hành vi gây sức ép, cản trở công việc của hộ kinh doanh chị Nga - anh Hà, khiến họ phải nộp tiền.
Cuối phiên xét xử sáng nay, đại diện Viện kiểm sát đã tham gia tranh tụng.
Theo cáo trạng, năm 2018, chị Nghiêm Thúy Nga (SN 1981) và chồng là Hoàng Anh Hà (SN 1972, cùng trú tại Ba Đình) kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên. Gia đình anh chị thường xuyên bị Hưng "kính" và nhóm "đàn em" đe dọa, chèn ép, bắt phải nộp nhiều loại tiền.
Ngày 10-8-2018, chị Nga và anh Hà gửi đơn đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội tố cáo hành vi cưỡng đoạt tài sản của các đối tượng trên.