Tân Thủ tướng Anh: Trọng trách nặng nề trên "ghế nóng"
Thế giới - Ngày đăng : 06:44, 25/07/2019
Ông B.Johnson đã nhận được 92.153 phiếu ủng hộ từ các thành viên đảng Bảo thủ, bỏ xa con số 46.656 phiếu của Ngoại trưởng Jeremy Hunt. Đây là kết quả không bất ngờ vì các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ông B.Johnson luôn dẫn trước đối thủ.
Các nhà phân tích cho rằng, chính trị gia này nhận được sự ủng hộ lớn là do cam kết đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, vào ngày 31-10 dù có hay không có thỏa thuận với châu Âu. Ngay khi kết quả bỏ phiếu được công bố, chủ nhân mới của ngôi nhà số 10 phố Downing cũng đã khẳng định lại quyết tâm theo đuổi kế hoạch này.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra ở quốc đảo Sương mù, chặng đường sắp tới của tân Thủ tướng B.Johnson sẽ không dễ dàng. Theo kênh truyền hình France 24, nhiều khả năng nhà lãnh đạo mới của nước Anh sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn của khủng hoảng chính trị liên quan đến Brexit. Trên thực tế, ông B.Johnson lên nắm quyền khi những rối loạn và chia rẽ vốn đã khiến hai đời thủ tướng Anh phải từ chức vẫn còn nguyên vẹn.
Trước mắt, “vị thuyền trưởng” mới của nước Anh sẽ khó có thể thuyết phục EU đàm phán lại thỏa thuận Brexit để thay đổi những điều khoản mà người tiền nhiệm T.May trước đó đã thống nhất với lãnh đạo liên minh.
Cho tới nay, EU chưa từng nhượng bộ trước đề xuất của Anh liên quan tới đàm phán lại thỏa thuận với khẳng định văn kiện được ký kết hồi cuối năm 2018 là "lựa chọn tốt nhất có thể". Hai lần trì hoãn Brexit và sau đó là tuyên bố từ chức sau mọi nỗ lực của bà T.May đã chứng minh rằng lập trường này của EU thực sự khó lay chuyển.
Trong khi đó, tối 18-7, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua điều khoản ngăn chặn thủ tướng đình chỉ cơ quan lập pháp để thúc đẩy kịch bản Brexit không thỏa thuận (hay Brexit cứng). Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện cho thấy sự chia rẽ sâu sắc ngay trong nội bộ đảng cầm quyền khi có đến 17 nghị sĩ đảng Bảo thủ chống lại chính phủ bất chấp “nhắc nhở” trước đó của Thủ tướng T.May.
Đáng chú ý, Quốc vụ khanh Công nghiệp số và Sáng tạo Margot James đã từ chức để tự do bỏ phiếu theo chính kiến trong khi một số thành viên nội các không tham gia bỏ phiếu như Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, Bộ trưởng Tư pháp David Gauke, Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark và Bộ trưởng Phát triển quốc tế Rory Stewart. Đặc biệt, Bộ trưởng Tài chính P.Hammond và Bộ trưởng Tư pháp D.Gauke tuyên bố sẽ từ chức nếu Thủ tướng B.Johnson kiên quyết chọn Brexit cứng.
Trong khi đó, những báo cáo về tình hình kinh tế cũng là một áp lực không nhỏ đối với Thủ tướng B.Johnson. Mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia (NIESR) của Anh nhận định, nền kinh tế xứ Sương mù có thể đã suy thoái và “rất dễ tổn thương khi nước này đang hướng đến thời hạn Brexit”.
NIESR dự báo, nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận, dù là có trật tự thì nền kinh tế Anh cũng không thể tăng trưởng trong năm 2020 và lạm phát sẽ tăng lên đỉnh 4% do đồng bảng tiếp tục mất giá thêm khoảng 10% so với hiện nay làm giá hàng hóa nhập khẩu tăng. Trong trường hợp này, gần như chắc chắn Ngân hàng trung ương Anh sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hạn chế sự suy giảm của thu nhập quốc gia.
Tuy nhiên, các biện pháp về quản lý tài chính sẽ chỉ giúp xoa dịu chứ không thể làm giảm bớt tác động lâu dài của Brexit cứng vì điều đó đã làm thay đổi nền tảng triển vọng của kinh tế Anh.
Tờ Financial Times cho rằng, hiếm có một thủ tướng nào lại phải đối mặt với nhiều tình huống khó khăn đang chờ đợi trên "ghế nóng" như ông B.Johnson. Tuy nhiên, chiến thắng cách biệt cho thấy cựu Thị trưởng London đã được đảng Bảo thủ tin tưởng trao trọng trách lãnh đạo. Cách thức ông chèo lái “con thuyền” nước Anh vượt qua sóng gió cũng sẽ quyết định tương lai của chính đảng này trong cuộc bầu cử sắp tới.