Viết về những mất mát để thấy yêu hơn hòa bình
Văn hóa - Ngày đăng : 14:17, 25/07/2019
Những mất mát trong quá khứ
Vóc dáng thư sinh, khuôn mặt chữ điền cùng nụ cười hiền lành, thoạt nhìn đã thấy Nguyễn Hữu Quý có phong thái của một văn nhân hơn là một quân nhân. Thế nhưng, khi nghe ông kể về quá khứ của mình, một quá khứ gian khổ và nhiều mất mát, tôi mới nhận ra dưới vóc dáng mảnh dẻ ấy là một sức chịu đựng bền bỉ và một trái tim ấm nóng luôn đau đáu, mắc nợ những gì đã trải qua.
Sinh ra tại một ngôi làng nằm phía cuối dòng sông Gianh, thuộc xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - vùng quê “gió Lào cát trắng”, cả chặng đời thiếu niên của Nguyễn Hữu Quý nằm trọn trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Những năm tháng “mưa bom bão đạn” ấy, cậu bé Quý tận mắt chứng kiến những mất mát, đau thương trước tội ác của giặc Mỹ... Đặc biệt, có một điều mà sau này tác động nhiều đến cuộc đời thơ ca của ông đó là khi ông 12 tuổi, mẹ ông bị trúng bom bi của Mỹ trong một buổi chiều bà trên đường đi chợ về. Trong bài Ký ức mẹ ông đã xót xa hồi tưởng: “Một đêm chiến tranh/ nhì nhằng ánh chớp/ Mẹ không đi hết/ con đường vào ngõ nhà mình”. Chiến tranh còn cướp đi của ông người bạn gái học cùng lớp thời cấp hai.
Đến tận bây giờ ông vẫn nhớ như in cái lần đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, trong lúc thắp hương cho những ngôi mộ liệt sĩ, ông đã vô cùng sửng sốt khi đọc được dòng tên bạn trên một tấm bia. Cô bạn có khuôn mặt trái xoan với giọng cười luôn giòn tan như thể mang niềm vui chia cho mọi người. Tối ấy, khi trở về đơn vị ông thao thức trọn đêm với ký ức tuổi học trò chợt ùa tới: “Giây phút ấy sững sờ/ giây phút ấy thiêng liêng/ khi bắt gặp dòng chữ ghi tên bạn/ Liệt sĩ Nguyễn Thị Liên/ hy sinh/ nét chữ đỏ trang nghiêm/ tạc vào bia đá/ như tạc vào lòng đất nước bạn ơi/ Tôi không nói được nên lời/ Ngọn gió Trường Sơn nghiêng về tưởng nhớ… (Nhớ về tuổi học trò của một liệt sĩ)...
Và những vần thơ tri ân
Mùa hạ năm 1974, trước kỳ thi đại học khoảng một tuần thì Nguyễn Hữu Quý nhận được giấy gọi nhập ngũ. Gác lại ước mơ bước vào giảng đường khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Hữu Quý lên đường tòng quân không chút băn khoăn. Ông trở thành chiến sĩ Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Thời điểm ấy tuy chiến tranh đã bớt ác liệt, nhưng phía trước vẫn còn giặc, vẫn có rất nhiều người ngã xuống. Đặc biệt, sự hy sinh của bao lớp thanh niên nơi con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đã luôn ám ảnh, thôi thúc, giục giã Nguyễn Hữu Quý cầm bút viết về sự dâng hiến của những người đã nằm xuống cho nền độc lập nước nhà.
Bước ngoặt đánh dấu mạch viết về sự mất mát hy sinh của người chiến sĩ trong cuộc chiến có thể tính từ năm 1977, khi tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên mở cuộc thi viết về thương binh - liệt sĩ. Nguyễn Hữu Quý tham gia bằng 2 bài thơ và nhận giải Khuyến khích. Đó là bài Nhớ về tuổi học trò của một liệt sĩ và bài Tiếng đàn bầu của anh thương binh hỏng mắt. Kể từ đấy, như một mạch nguồn đã được khơi sẵn, những dòng thơ về các liệt sĩ cứ trở đi trở lại trong thơ ông, như một sự mắc nợ, và ông cũng chỉ còn cách bấu víu vào thơ để giãi bày. Trong đó, bài thơ Khát vọng Trường Sơn được nhiều thế hệ bạn đọc nhắc đến. Bài thơ đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1996 và được 3 nhạc sĩ phổ nhạc. Đó là nhạc sĩ Phạm Tuyên với ca khúc Tiếng vọng Trường Sơn, nhạc sĩ Võ Thế Hùng và nhạc sĩ Văn Chừng với hai ca khúc cùng mang tên Khát vọng Trường Sơn.
Nguyễn Hữu Quý kể rằng bài thơ này được viết ở trại viết Đồ Sơn (Hải Phòng). Trong một đêm mùa hạ, không ngủ được, nằm nghe tiếng sóng biển, trước mắt ông hiện lên những nấm mộ ở Nghĩa trang Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ. Và những câu thơ cứ thế vang lên: “Nằm kề nhau/ Những nấm mộ giống nhau/ Mười nghìn bát hương, mười nghìn ngôi sao cháy/ Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng/ Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn/ Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn/ Mười nghìn đôi tay mở rừng xẻ núi/ Mười nghìn đôi chân bám trên trọng điểm/ Mười nghìn đôi mắt ngước hái mây chiều…”. Rồi khi chợt nhớ ra hiện nay ở Nghĩa trang Trường Sơn mới có mười nghìn liệt sĩ được quy tụ về, còn bao nhiêu liệt sĩ nữa còn đang nằm đâu đó trong những cánh rừng già, trên những con đường, những nẻo heo hút..., bài thơ bỗng rẽ sang một lối khác: “Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa/ Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn/ Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương/ Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng/ Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng...”.
Và câu cuối “Mười nghìn khát vọng được về bên nhau...” được nhà thơ tâm đắc nhất vì nó truyền tải được khát vọng của ông. Bởi ông là người hiểu hơn ai hết khát vọng của những chiến sĩ khi sống chia bùi sẻ ngọt với nhau thì khi chết họ luôn muốn được về bên nhau. Hơn thế, tâm nguyện xuyên suốt của ông là những người lính sau chiến tranh dẫu sống hay chết đều phải được trở về nơi mình đã ra đi. Vì thế trong thơ ông luôn luôn có cuộc trở về của họ. Trong bài thơ Bông huệ trắng được tặng giải thưởng Thơ hay nhất năm 1995 của tạp chí Văn nghệ quân đội, ông đã dựng lên không khí của những cuộc trở về thật xúc động và ám ảnh: “Những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay/ giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu/ những người lính trở về xòe tay trên bếp khói/ giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm/ những người lính trở về đánh rạ dọn rơm/ giấc mơ mẹ bay la dòng sữa trắng/ những người lính trở về cười ngượng nghịu/ giấc mơ người bật dậy tiếng oa... oa…”. Và còn nhiều bài thơ xúc động khác nữa về đề tài liệt sĩ như: Trường Sơn tóc dài, Nấm mộ hai bia, Có một Hà Nội ở Trường Sơn, Ve kêu ở nghĩa trang Trường Sơn, Tưởng niệm 13, Giếng ở Lèn Hà, Nén nhang đồng đội, Tấm vé tàu Thống Nhất dành cho cha…
Cho đến tận bây giờ nhà thơ Nguyễn Hữu Quý không thể nhớ nổi mình đã viết bao nhiêu bài thơ về liệt sĩ, chỉ biết rằng ông viết ra những câu thơ bằng những câu chuyện có thật, những ký ức có thật về một quá khứ mà ông gói gọn trong hai từ “bi tráng”. Ông chưa bao giờ mong muốn những câu thơ của mình phải đạt đến tầm nghệ thuật này hay thi pháp cao siêu kia, mà ông luôn lấy cảm xúc chân thực, với chất liệu thu gặt được từ cuộc sống làm nền tảng cho các sáng tác của mình, với mong muốn truyền cảm hứng đến nhiều thế hệ bạn đọc. Ông chia sẻ: “Chiến tranh dẫu đã qua rồi nhưng những mất mát hy sinh, những cảnh đời, những dư âm của nó vẫn còn ở đâu đó trên mảnh đất này. Và tôi sẽ vẫn viết về họ. Viết về những mất mát để thấy yêu hơn hòa bình, để bằng mọi cách giữ lấy hòa bình cho non sông... và để cho linh hồn của những người đã ngã xuống vì Tổ quốc không cảm thấy sự hy sinh của mình là vô nghĩa”.
Đại tá - nhà báo - nhà thơ Nguyễn Hữu Quý sinh năm 1956 tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông nguyên là Trưởng ban Thơ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hiện nay, ông là Ủy viên BCH Hội Trường Sơn Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn. Ông có 3 trường ca đoạt giải thưởng của Bộ Quốc phòng: Trường ca Sinh ở cuối dòng sông (2004); Trường ca Vạn lý Trường Sơn (2009); Trường ca Hạ thủy những giấc mơ (2014). Bài thơ Khát vọng Trường Sơn đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996. Bài Bông huệ trắng tặng thưởng Thơ hay nhất năm 1995 của Tạp chí Quân đội. Tập thơ và trường ca Những hồi chuông màu đỏ đoạt giải Nhì
về thơ (không có giải Nhất) cuộc Vận động sáng tác văn học về thương binh - liệt sĩ của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức...