Gặp gỡ những thương binh đặc biệt
Đời sống - Ngày đăng : 20:39, 25/07/2019
Người cựu tù Côn Đảo bất khuất
Gương mặt phúc hậu cùng ánh mắt cương nghị của thương binh nặng Lý Hồng Sơn (72 tuổi, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), một cựu tù Côn Đảo đã cuốn hút tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Từng hơn một lần được đến tham quan hệ thống nhà tù Côn Đảo, được kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương và được nghe những câu chuyện bi tráng mà hào hùng, nên với tôi, câu chuyện với các cựu tù càng thêm “mặn”.
“Đó là năm 1972, sau 5 năm nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Quân khu 5, tôi bị địch bắt trong một trận chiến đấu khốc liệt và bị đưa ra giam giữ tại nhà tù Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngay lập tức, tôi đã phải làm quen với xà lim, bị cùm chân và bị tra tấn liên tục...
Tù nhân trong hệ thống nhà tù ở đây bị giam trong 'chuồng cọp' không chỉ bị bỏ đói, xiềng xích, bị bắt lao động khổ sai mà còn bị tra tấn dã man, như đổ vôi bột từ trên xuống rồi dội nước. Vôi bột gặp nước sôi sùng sục trên khắp thân thể người tù, tạo thành những vệt bỏng nham nhở trên da. Vết thương không được băng bó, gột rửa để lâu ngày mưng mủ, nhiễm trùng khiến cho nhiều người không qua khỏi” - ông Lý Hồng Sơn kể lại.
Những ký ức về 3 năm bị lưu đày chốn “địa ngục trần gian” cứ thế ùa về. Ông không thể nhớ hết bao nhiêu trận đòn roi, tra tấn hoặc bị bỏ đói trong những năm tháng đó. Nhưng, một điều vĩnh viễn khắc sâu trong tâm trí ông. Đó là lúc chiến đấu bị địch bắt thì mới chỉ bị thương nhưng vào tù rồi, việc không được chữa trị và những trận tra tấn tàn khốc liên tục từ bọn cai tù đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân của ông.
Lao dịch, đòn roi là vậy, nhưng kẻ thù không thể nào dập tắt được ý chí cách mạng của ông và các bạn tù. Nhiều lần, ông cùng các bạn tù tố cáo tội ác của Mỹ, Ngụy và đấu tranh đòi tự do liền bị địch ném lựu đạn cay để đàn áp. Nhưng, cứ hết cay, hết ngạt, thì tù nhân lại đấu tranh, bởi niềm tin mãnh liệt vào sự nghiệp cách mạng...
Sau 3 năm giam cầm, đúng vào ngày 30-4-1975, Côn Đảo được giải phóng. Ông được đồng đội ra đón và đưa về an dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam. Cho đến năm 1979, ông lập gia đình.
“Tôi là thương binh nặng với tỷ lệ thương tật 91%, phải ngồi xe lăn. Bà nhà tôi cũng là thương binh hạng 2/4. Sau này, tôi có dịp gặp lại các đồng đội cùng chiến đấu ngày trước. Anh em mừng mừng tủi tủi. Từ tổng số 40 người ban đầu, khi gặp lại chỉ còn được 6 người với tất cả... 4 cái chân.
Chiến tranh thật khắc nghiệt. Mỗi khi đi đâu, hễ biết là cựu tù Côn Đảo, tôi lại nhận được những tình cảm nồng ấm, trân trọng từ mọi người. Với một người lính, thế cũng là mãn nguyện. Lần đầu tiên được đi máy bay, lại được các nhân viên Vietnam Airlines nhiệt tình hỗ trợ thế này, tôi rất vui và phấn khởi!” - ông Sơn cười hiền.
Tám ngày, 3 lần cưa chân
Trên chuyến bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội dự hội nghị tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 còn có một người con Quảng Nam khác là ông Võ Văn Đến, sinh năm 1958 (tỷ lệ thương tật 81%).
Ông Võ Văn Đến xung phong nhập ngũ vào tháng 11-1976 khi mới 18 tuổi, cho đến tháng 6-1978 thì đi làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia (chiến trường K).
“Chiến trường Campuchia rất gian khổ, thiếu thốn đủ bề, cơm không đủ ăn. Đơn vị 60 người ăn vài lon gạo đổ thêm nước và muối vào nấu chung. Khó khăn là vậy nhưng anh em không ai ngã lòng” - ông Đến nhớ lại.
Mấy năm liền chiến đấu ở chiến trường nước bạn, trong một lần cùng trợ lý công binh và trợ lý tác chiến xuống kiểm tra địch đánh ở quy mô nào để báo cáo chỉ huy thì ông Đến bị vướng mìn, cụt cả hai chân. Đồng đội đưa ông về điều trị tại bệnh xá của sư đoàn, sau đó chuyển đi bệnh viện Xiêm Riệp (Campuchia) rồi lại chuyển về Bệnh viện 115 của quân đội ở TP Hồ Chí Minh. Sau đó nửa năm, ông được chuyển lên an dưỡng ở Củ Chi rồi chuyển về Trại điều dưỡng quân khu 5 cho đến nay.
Trong suốt thời gian điều trị, để không bị hoại tử, các bác sĩ, y tá đã phải thực hiện cưa chân ông tới... 3 lần. Khi bị cưa chân, ông hoàn toàn không biết gì trong vòng 8 ngày. Đến khi tỉnh dậy thì thấy chân mình đã bị cưa gần hết.
Mất mát xương máu là vậy, nhưng cuộc đời cũng đã bù đắp cho ông rất nhiều. Trong những ngày nằm điều trị ở Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam, cô nhân viên cấp dưỡng từ chỗ cảm mến đã thương ông. Tình yêu của cô cấp dưỡng thực sự là động lực nâng đỡ ông. Từ đó, hai người nên duyên chồng vợ. Trải qua bao vất vả, đến nay, vợ chồng ông có hai con đều học hành giỏi giang. Một người đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Nội vụ ở Đà Nẵng, một người học năm thứ 2 Đại học Luật Huế.
"Ông đã ra Hà Nội nhiều chưa?". Ông Đến bảo, đây là lần đầu. “À mà trước đây tôi cũng từng một lần được đi máy bay, nhưng là máy bay trực thăng cứu thương của quân đội đưa tôi từ Xiêm Riệp (Campuchia) về TP Hồ Chí Minh để điều trị. Còn đây là lần đầu tiên được đi máy bay hành khách.
Được ra Hà Nội dự hội nghị biểu dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc, tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào vì được Đảng, Nhà nước quan tâm, ghi nhận. Cũng chính vì hồi hộp, cảm giác lâng lâng, phấn khởi nên cả đêm trước khi bay không ngủ được. Lần này ra Thủ đô, tôi rất mong được đi thăm Lăng Bác. Mong có dịp đi gặp các đồng đội xưa ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam... Trước khi đi tôi đã liên lạc với đồng đội cũ. Nhiều người đã từng vào trung tâm thăm tôi, nhưng đây là lần đầu tiên ra Hà Nội nên mong lắm!” - ông Đến chia sẻ.
Trong suốt chuyến bay, những thương binh nặng như ông Lý Hồng Sơn, ông Võ Văn Đến... đều được các nhân viên của Vietnam Airlines hỗ trợ tiếp đón tận tình bằng cách bố trí xe đón và đưa đoàn; được bố trí quầy làm thủ tục riêng. Cơ trưởng gửi lời chào và chúc mừng các bác thương binh qua loa phát thanh ngay khi mọi người vừa ổn định chỗ ngồi trên máy bay.
Sau khi chuyến bay kết thúc và các hành khách khác đã xuống hết, cơ trưởng và cơ phó xuống khoang hành khách gặp gỡ, cảm ơn các cựu chiến binh đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, đem lại hòa bình, độc lập cho dân tộc Việt Nam.