Bộ Ngoại giao thông tin về sự việc nhóm tàu Hải Dương 8 vi phạm vùng biển của Việt Nam
Đối ngoại - Ngày đăng : 18:04, 25/07/2019
Về thông tin Ấn Độ điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép cuộn không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam luôn thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ nói chung, trong đó có quan hệ kinh tế nói riêng, đang phát triển tốt đẹp. Các vấn đề thương mại giữa hai nước cần được xem xét một cách khách quan, công bằng, phù hợp với quy định của WTO, các thỏa thuận tự do thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng tham gia, bảo đảm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng hai nước”.
Về sự việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng biển của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao một lần nữa khẳng định: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật. Duy trì hòa bình, ổn định; đảm bảo tự do hàng không, hàng hải; đề cao thượng tôn pháp luật; tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế.
Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế, nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”.
Đối với các nỗ lực phòng chống rác thải biển, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Việt Nam coi rác thải biển là vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển và sẵn sàng cùng cộng đồng khu vực và quốc tế xây dựng các cơ chế, quy định nhằm thúc đẩy hợp tác giải quyết vấn đề rác thải biển. Việt Nam đã và đang huy động sự tham gia của cả xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa với mục tiêu không sử dụng đồ nhựa dùng một lần vào năm 2025”.
Về vấn đề phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng các quy định, luật bảo vệ môi trường, nằm trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19-12-2014 và các văn bản pháp luật có liên quan.
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang ban hành các văn bản pháp luật theo hướng yêu cầu chất lượng phế liệu cao hơn. Các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.