Quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật: Tăng kiểm tra, xử nghiêm vi phạm
Xã hội - Ngày đăng : 07:57, 26/07/2019
Liên tiếp phát hiện sai phạm
Ngày càng có nhiều người tìm đến thực phẩm chức năng như là một giải pháp phòng ngừa bệnh tật. Chính vì vậy, thời gian gần đây, nhiều công ty sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng đã tiến hành quảng cáo, tuyên truyền quá mức trên mạng, mập mờ về chức năng, công dụng của các loại thực phẩm chức năng, coi thực phẩm chức năng như là thuốc chữa bệnh. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn lập ra những trang mạng "ma" để rao bán, quảng cáo thổi phồng hiệu quả, công dụng của thực phẩm chức năng.
Chỉ trong hơn 2 tuần (từ ngày 18-3 đến 5-4-2019), Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 8 doanh nghiệp vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng với số tiền gần 600 triệu đồng. Ngay trong tháng 6 và tháng 7-2019, một loạt thực phẩm chức năng đã có "chỗ đứng" trên thị trường, như: Giảm béo An nhiên New; cao tỏi đen mật ong; xương khớp MH; bổ gan Sao Thiên Y; chống loãng xương thoái hóa khớp... cũng bị "thổi còi" vì vi phạm nội dung quảng cáo trên một số trang mạng. Cùng với xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc các đơn vị tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, sai phạm chủ yếu là quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh; quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; quảng cáo công dụng không đúng với hồ sơ đã công bố. Các đơn vị kinh doanh có rất nhiều mánh khóe nhằm đẩy mạnh tiêu dùng các mặt hàng có nhu cầu lớn. Đặc biệt, không ít trang mạng còn sử dụng hình ảnh một số người nổi tiếng, các giáo sư, bác sĩ, bệnh viện uy tín... để quảng cáo sản phẩm, nhằm đánh vào tâm lý tin tưởng của người dân.
Điều đáng nói, các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và "thổi phồng" công dụng như thuốc chữa bệnh hiện nay, như: Sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, bệnh thận, gan... rất nguy hiểm, không chỉ làm người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương dẫn chứng, vì tin vào những lời quảng cáo trên một số trang mạng mà không ít bệnh nhân mắc viêm gan đã không đến bệnh viện mà mua thực phẩm chức năng về uống. Thậm chí, nhiều bệnh nhân ung thư cũng kiên quyết không đến bệnh viện mà tự điều trị ở nhà bằng việc dùng thực phẩm chức năng quảng cáo chữa được bệnh. Thế nhưng, khi uống mãi không thấy tiến triển, họ mới tìm đến bệnh viện thì bệnh đã bước vào giai đoạn muộn...
Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm trôi nổi
Trong khi tình trạng vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng khá phổ biến thì việc xử lý lại không đơn giản. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong cho rằng, trên thực tế, việc mở một trang mạng khá dễ, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể làm được để bán hàng. Khi thanh tra, kiểm tra và phát hiện vi phạm, Cục An toàn thực phẩm đã mời doanh nghiệp đến làm việc. Thế nhưng, doanh nghiệp chỉ nhận trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng, còn các trang mạng quảng cáo sai phạm không phải của họ.
Với những trường hợp này, Cục An toàn thực phẩm buộc phải gửi sang Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý theo quy định. Trong quá trình đợi xử lý, Cục An toàn thực phẩm đã công khai mọi thông tin liên quan đến đơn vị, sản phẩm vi phạm về quảng cáo trên trang mạng chính thức của Bộ Y tế để khuyến cáo người dân.
Để xử lý nghiêm tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng trên thị trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong cho rằng, thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra với tần suất lớn kết hợp với việc thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm nhằm phát hiện sai phạm (nếu có) để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới người tiêu dùng. Cùng với đó, khi phát hiện sai phạm sẽ tiến hành xử phạt với khung cao nhất để răn đe. Cục An toàn thực phẩm cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên thị trường nhằm đưa ra các cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, thực phẩm chức năng không phải là thuốc nên không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì vậy, việc quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng công dụng như thuốc trị bệnh là hành vi gian dối, đánh lừa người tiêu dùng, không thể chấp nhận được. Và trong khi thị trường thực phẩm chức năng "vàng thau lẫn lộn", người tiêu dùng cần sáng suốt khi lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bảo vệ chính mình.