Bao giờ có “giờ vàng” cho phim VN?
Văn hóa - Ngày đăng : 18:34, 11/03/2005
Nếu có "giờ vàng" phim VN có hút khán giả?
Những điều bất cập
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT Đỗ Quý Doãn thì, hệ thống phát thanh - truyền hình Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí là một trong những phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu của xã hội, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập: “nhiều chương trình còn nghèo thông tin, kém sinh động, đội ngũ làm phát thanh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Việc quản lý nội dung các chương trình truyền hình nước ngoài thu từ vệ tinh còn lỏng lẻo, việc tiếp sóng chương trình quốc gia chưa có qui chế cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, nhiều đài truyền hình đã chọn những bộ phim nước ngoài, kém chất lượng tuyên truyền để phát sóng lấp đầy thời lượng nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc tuyên truyền văn hoá trong nước”.
Theo những người trong giới chuyên môn thì hiện nay, đa số nguồn kinh phí để sản xuất phim đều được lấy từ tiền dịch vụ quảng cáo trên đài truyền hình, nhưng do nhiều lý do (chất lượng phim, giờ phát sóng…) số lượng quảng cáo trong giờ phim Việt Nam rất thấp, không đủ bù cho kinh phí sản xuất. Thực tế, hiện nay phim Việt Nam mới chiếm khoảng 25% thời lượng phát sóng, nhưng hầu hết đều rơi vào những giờ coi là giờ “oái, oăm”, ít người xem như: 7h sáng, 1h đêm…Vì vậy, để thực hiện chỉ tiêu đặt ra là 50% phim Việt Nam trên sóng không phải là quá khó đối với các đài truyền hình, nếu các đài đều “đối phó” bằng cách lấy các phim cũ phát vào các giờ ít người xem thì chắc chắn sẽ hoàn thành được định mức một cách dễ dàng. Nhưng điều đáng nói là hầu như tất cả các đài truyền hình kể cả Đài Truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình Hà Nội đều dành “giờ vàng” cho phim ngoại.
Đạo diễn Khải Hưng, Hãng phim Truyền hình Việt Nam lại cho rằng, không có “giờ vàng” mà chỉ có “phim vàng” mà thôi. Phim vàng, phim hay thì chiếu vào giờ nào cũng có khán giả, có người xem. Và kể cả việc dùng tiền quảng cáo để tái đầu tư sản xuất phim cũng là điều không tưởng, vì từ bao lâu nay, mức kinh phí đặt ra để sản xuất mỗi tập phim truyền hình vẫn giữ y nguyên chứ chưa hề có sự thay đổi. Còn phim hay cũng không phải là do ít kinh phí, mà nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố về sự phát triển của đất nước như: kinh tế, xã hội, văn hoá, nghệ thuật, văn học…
Để có “giờ vàng”…
Có ý kiến cho rằng, nếu để “giờ vàng” có tính bền vững thì giải pháp này cần được điều chỉnh bằng luật chứ nếu chỉ là những văn bản mang tính nhắc nhở, rút kinh nghiệm thì sẽ không đem lại hiệu quả thiết thực mà phải có luật với những quy định bắt buộc, trong đó có cả quy định số tiền thu được từ quảng cáo trong thời gian phát sóng phim Việt Nam phải được tái đầu tư sản xuất phim chứ không dùng để làm những việc khác.
Ông Huỳnh Văn Nam, Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM cho biết thêm, Đài truyền hình TP.HCM có kế hoạch từ năm 2006 sẽ có khoảng 365 tập phim sẽ được hoàn thành trong năm, cộng thêm hơn 200 tập phim của Đài truyền hình Việt Nam và vài chục tập phim của các đài địa phương, mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng hơn 600 tập phim mới ra đời, do đó có nguồn thu từ quảng cáo, thì số tập phim truyền hình chắc chắn sẽ còn tăng. Hiện nay đã có một số hãng phim tư nhân đã có kế hoạch bắt tay với đài truyền hình để làm phim phát sóng. Điều họ chờ đợi là lời mời từ phía nhà đài và một cơ chế ăn chia hợp lý.
Tuy nhiên để đạt được mục tiêu: phim có chất lượng và hợp tác bền vững giữa các đối tác trong cơ chế thị trường cần có những quy định cụ thể, tốt nhất là bằng luật và những văn bản dưới luật.
Tuyết Minh