Palestine đình chỉ các thỏa thuận chung với Israel: Giọt nước tràn ly
Thế giới - Ngày đăng : 07:12, 28/07/2019
Quyết định được Tổng thống M.Abbas đưa ra trong một cuộc họp khẩn với các quan chức cấp cao tại thành phố Ramallah ở Bờ Tây, sau khi Israel bắt đầu phá dỡ nhà cửa của người Palestine tại khu vực Sur Baher ở Đông Jerusalem. Tel Aviv lập luận rằng, các tòa nhà này đã xây dựng trái phép và sát với bức tường rào chia cắt Bờ Tây, vốn được Israel coi là có vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì an ninh.
Trong khi đó, phía Palestine lại cho rằng các công trình bị phá dỡ được xác định nằm trong khu vực đặt dưới sự kiểm soát hành chính của chính quyền Palestine theo các thỏa thuận đã ký kết giữa PLO với Israel. Bộ Ngoại giao Palestine đã kêu gọi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) mở cuộc điều tra về động thái này.
Tổng thống M.Abbas khẳng định, Israel đã lảng tránh trách nhiệm trong các thỏa thuận chung cũng như những nghĩa vụ của nước này theo luật pháp quốc tế, đồng thời áp đặt một chính sách phân biệt chủng tộc đối với người Palestine tại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Người dân Palestine vẫn "chìa bàn tay" hướng tới một nền hòa bình công bằng và toàn diện, song điều này không có nghĩa là sẵn sàng đầu hàng và chấp nhận sự chiếm đóng. Nước này sẽ lập tức thành lập một ủy ban để nghiên cứu cách thực hiện quyết định vừa được đưa ra. Đáng chú ý, Israel và Palestine đang có các hoạt động trao đổi, điều phối giữa lực lượng an ninh Palestine và lực lượng phòng vệ Israel, việc ngừng các thỏa thuận chung sẽ làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh tại khu Bờ Tây.
Tuyên bố của Tổng thống M.Abbas được đánh giá là không quá bất ngờ vì nó được đưa ra chỉ một ngày sau khi Mỹ ngăn chặn nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc thông qua nghị quyết do Kuwait, Indonesia và Nam Phi soạn thảo, trong đó lên án Israel về việc phá hủy nhà cửa của người Palestine ở ngoại ô Jerusalem. Đây cũng được coi là “giọt nước tràn ly” khi lần đầu tiên nhà lãnh đạo Palestine đưa ra một quyết định dứt khoát về việc đình chỉ các thỏa thuận chung với Israel.
Giới quan sát cho rằng, những hành động của Israel gần đây là một phần trong kế hoạch dọn đường cho các khu định cư mới ở vùng Đông Jerusalem. Động thái này bị Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc lên án mạnh mẽ trước nguy cơ gây trở ngại cho tiến trình hòa bình và làm suy yếu giải pháp hai nhà nước.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục thể hiện sự bế tắc trong việc giải quyết tranh chấp này, do chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục cáo buộc Liên hợp quốc có hành động thiên vị chống lại Israel và sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn các nghị quyết lên án và trừng phạt đồng minh lâu đời tại Trung Đông. Mỹ cũng đưa ra hàng loạt quyết định gây tranh cãi khác như chuyển Đại sứ quán nước này tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem, cắt giảm nguồn tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA).
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị và gìn giữ hòa bình Rosemary DiCarlo cho rằng, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đang ngày càng đi vào bế tắc, làm gia tăng các hành động đơn phương và xóa tan hy vọng về một nền hòa bình đạt được thông qua các cuộc đàm phán. Sự chú ý đang đổ dồn về những diễn biến mới trong chuyến công tác của phái đoàn quan chức cấp cao do Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner dẫn đầu đến Trung Đông vào tuần tới, với nội dung xoay quanh Thỏa thuận thế kỷ do Washington đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp này - sáng kiến vốn bị chính quyền Palestine kịch liệt phản đối.