Nhiều bộ, ngành gặp vướng mắc trong xây dựng chính phủ điện tử
Chính trị - Ngày đăng : 19:44, 29/07/2019
Thời gian qua, Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan đưa vào vận hành một số hệ thống có ý nghĩa quan trọng trong triển khai chính phủ điện tử, như: Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet).
Bên cạnh đó, việc thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ được đưa vào vận hành trong tháng 11-2019 nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp. 100% bộ, cơ quan ngang bộ đã thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
Theo thống kê từ ngày 12-3-2019 đến ngày 21-7-2019 đã có 68.257 văn bản gửi và 203.553 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số cơ quan chưa đẩy mạnh việc gửi văn bản điện tử có ký số qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Điển hình như Thanh tra Chính phủ mới chỉ đạt 0,3%, Bộ Quốc phòng là 22%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 30%... 5 cơ quan còn thiếu kế hoạch nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành (Văn phòng Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đài Truyền hình Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách về công nghệ thông tin còn nhiều bất cập. Đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính cho rằng, hiện có nhiều văn bản Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng chính phủ điện tử đều ghi ưu tiên thuê dịch vụ công nghệ thông tin nhưng không có hướng dẫn chi tiết. Nếu có căn cứ pháp lý đủ mạnh để thực hiện sẽ đỡ phức tạp hơn...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết, tinh thần của Thủ tướng là quyết tâm thực hiện chính phủ điện tử. Do vậy, các bộ, ngành cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sắp đến hạn, tránh để nợ đọng; khẩn trương hoàn thiện cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ và thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Văn phòng Chính phủ sẽ tăng cường tập huấn, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.