Phòng, trị "bệnh thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”
Xây & Chống - Ngày đăng : 06:48, 29/07/2019
1. Trong kinh tế thị trường, “thế giới phẳng” hiện nay, khi mà công nghệ thông tin ăn sâu vào đời sống xã hội; đặc biệt, đứng trước xu hướng sùng bái vật chất, nhiều đảng viên đã không thể hiện được nhiệt huyết, tính chiến đấu, mà thay vào đó là tư tưởng an phận, ngại va chạm, ngại đấu tranh. Sinh hoạt Đảng dần dần bị quyền lực và lợi ích vật chất chi phối dẫn đến hiện tượng mất dân chủ, dân chủ nửa vời, “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”.
Biểu hiện của hiện tượng này là tình trạng chỉ có bí thư, phó bí thư độc thoại trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; nghị quyết tháng sau giống tháng trước đến nhàm chán; “đánh trống ghi tên” khi sinh hoạt chuyên đề, học tập nghị quyết Đảng. Việc đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức Đảng hằng năm cũng chung chung và không có ai không hoàn thành nhiệm vụ nếu không dính “phốt”; công tác kiểm tra, giám sát mang tính hợp thức hóa, nặng về báo cáo thành tích.
Đặc biệt, do chạy theo thành tích nên không ít cá nhân có trình độ, năng lực bình bình vẫn dễ dàng được kết nạp Đảng. Thậm chí, có không ít tổ chức Đảng ở một số nơi đã bỏ qua quy trình, các khâu, các bước trong thử thách, nhận xét, đánh giá để “biến” đảng viên “5C” (con cháu các cụ cả) thành “hạt giống đỏ” và sau này được ủy ban kiểm tra các cấp xác định có nhiều sai phạm.
Tình trạng “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” ở các cơ quan công quyền hiện nay có nguyên nhân chủ yếu từ cơ chế “xin - cho” và “chủ nghĩa thỏa hiệp”. Hiện tượng bố trí, sắp xếp cán bộ không đúng tiêu chí mà dựa vào “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ” và "5C" là chính, đã dẫn tới tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, “nhìn mặt nhau mà sống”.
Sợ mất lợi ích, sợ “đấu tranh, tránh đâu”, sợ bị trù úm hoặc bảo vệ lợi ích cho người nâng đỡ công danh đã tạo nên những mảnh đất màu mỡ để “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” tồn tại, phát tác.
Vì lợi ích, vì sự tồn tại của cá nhân, thay vì đấu tranh, làm rõ sai phạm khuyết điểm, bảo vệ chân lý, bảo vệ sự trong sáng của nghị quyết Đảng thì nhiều đảng viên chọn giải pháp “thứ nhất ngồi lỳ, thứ nhì đồng ý” không chỉ trong sinh hoạt Đảng mà cả trong cuộc sống đời thường.
Điểm nguy hiểm của căn bệnh này là khiến nhiều đảng viên lầm tưởng cách hành xử không làm mất lòng ai ấy là thân thiện, hòa nhã, khôn ngoan và đáng học theo. Nhưng thực tế thì đây là biểu hiện của những con người khôn lỏi, ranh ma trong quan hệ ứng xử, là một biểu hiện vun vén lợi ích cá nhân, rình cơ hội để chiếm đoạt địa vị, quyền lợi và tiền bạc.
Khi theo dõi hồ sơ đơn thư tố cáo xảy ra tại Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận thấy: Để có kết luận ngày 22-4-2019, chỉ rõ sai phạm của Hiệu trưởng Trần Anh Đức trong quản lý kinh tế năm học 2018-2019 thì UBND quận Hoàn Kiếm đã rất mất thời gian.
Điều đó bộc lộ, nếu các đảng viên trong chi bộ nhà trường kiên quyết đấu tranh với hiện tượng tiêu cực ngay trong sinh hoạt Đảng thì ông Đức đã không làm sai, không dám làm sai và không có hiện tượng mất đoàn kết nội bộ.
Hay như mới đây, Thanh tra Bộ Nội vụ ra Thông báo số 297/TB-TTBNV, kết luận thanh tra tại Tổng cục Thuế và các đơn vị trực thuộc đã chỉ rõ nhiều sai phạm. Cụ thể là từ ngày 1-1-2015 đến 31-8-2018, có 141 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng một hoặc một số điều kiện, tiêu chuẩn đối với chức vụ hiện giữ theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế; 4 trường hợp quá tuổi bổ nhiệm lần đầu; 8 trường hợp lãnh đạo, quản lý cấp phòng, chi cục nhưng giữ ngạch cán sự hoặc tương đương... Điều đó cho thấy, cấp ủy ở các đơn vị này rất tùy tiện trong công tác cán bộ.
2. Như đã biết, Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động dựa trên nguyên tắc: Tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Mỗi nguyên tắc có vai trò riêng nhưng có mối quan hệ chặt chẽ, trong đó tự phê bình và phê bình chính là cách thức để tổ chức Đảng và đảng viên nâng cao tính chiến đấu, loại bỏ sai lầm, khuyết điểm, tăng cường đoàn kết, nhất trí, đề cao dân chủ, nhằm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ được giao hiệu quả hơn.
Gần 90 năm qua, nhờ thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là nhờ luôn đề cao tự phê bình và phê bình mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy tụ, giác ngộ, xây dựng được các thế hệ đảng viên kiên trung, lãnh đạo cách mạng giành được những thắng lợi vẻ vang.
Thực tế cũng đã chứng minh, chi bộ nào, tổ chức Đảng nào làm tốt tự phê bình và phê bình thì nội bộ luôn đoàn kết thống nhất cao, ít xảy ra lạm quyền, lộng quyền, tiêu cực và ít mắc khuyết điểm.
Làm gì để ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế hiện tượng “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là câu hỏi lớn và cần có giải pháp thực thi khẩn trương, quyết liệt.
Trước tiên, để giải quyết tận gốc hiện tượng nói trên thì mấu chốt là cần phải duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt Đảng ở chi bộ một cách dân chủ, thực chất. Muốn phát huy được tính đấu tranh của đảng viên thì cần cải tiến phương pháp sinh hoạt, cách ra nghị quyết lãnh đạo gắn chặt với phân công nhiệm vụ trong cấp ủy và cho mỗi đảng viên.
Việc đánh giá công tác lãnh đạo trong dự thảo nghị quyết sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cũng cần công khai và khách quan, tránh thiên về báo cáo thành tích, nhẹ khuyết điểm. Bên cạnh đó, vấn đề cần chú trọng chính là luôn luôn bồi dưỡng cho đảng viên những kiến thức về Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, đường lối, chủ trương của Ðảng, nhất là trình độ lý luận chính trị để xây dựng niềm tin, ý chí phấn đấu, xây dựng lòng trung thành với đường lối, chủ trương cũng như kỷ luật của Đảng.
Cần vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ linh hoạt, tổ chức tự phê bình và phê bình trong chi bộ có tình, có lý trên nguyên tắc phê bình việc không phê bình người. Cải tiến việc đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức Đảng theo hướng trọng định lượng hơn định tính; coi khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong các điều kiện bất lợi, nhiều khó khăn là điểm cộng và không cào bằng ưu điểm đảng viên trong đánh giá nhận xét.
Hiện tượng “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” thực chất chỉ là một biểu hiện tâm lý dễ lây lan và chưa chắc đã là bản tính cố hữu trong mỗi cán bộ, đảng viên. Hiện tượng này rất dễ xảy ra ở những cơ quan, đơn vị, địa phương có môi trường làm việc độc đoán, chuyên quyền.
Thế nên, các cấp ủy, tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị cần đặc biệt coi trọng xây dựng bầu không khí thật sự dân chủ, nhân văn, làm cho cái tốt, cái hay, cái đẹp có điều kiện nảy nở, phát huy và người tốt, người tài, người tích cực có chỗ dựa vững vàng để yên tâm làm việc, cống hiến và phấn đấu trưởng thành.
Khi tổ chức Đảng các cơ quan, đơn vị lãnh đạo xây dựng môi trường học tập, công tác, làm việc kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ thì cái sai, cái dở, cái xấu không có cơ hội tồn tại, lộng hành. Và như vậy, khi đấu tranh tự phê bình và phê bình đi đúng quỹ đạo, phát huy tác dụng thì hiện tượng “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” cũng sẽ tự giảm dần.