Phòng chống máu nhiễm mỡ
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:12, 01/08/2019
Mắc bệnh thời gian dài mà không hay biết
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh máu nhiễm mỡ có tên khoa học là bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu. Bệnh lý này xuất hiện khi 1 trong 4 thông số lipid (gồm cholesterol, triglycerid, HDL-C - cholesterol tỷ trọng phân tử cao, LDL-C - cholesterol tỷ trọng phân tử thấp) bị rối loạn. Nguy hiểm là rối loạn lipid máu thường được phát hiện cùng lúc với một số bệnh lý tim mạch, nội tiết và chuyển hóa. Thế nhưng, triệu chứng lâm sàng khi mắc bệnh máu nhiễm mỡ khá nghèo nàn, không có dấu hiệu đặc trưng nên có những bệnh nhân mắc bệnh trong một thời gian dài cũng không hay biết.
Cũng theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, nguyên nhân của bệnh máu nhiễm mỡ có thể chia 4 loại. Đầu tiên là do chế độ ăn uống, sinh hoạt chưa hợp lý như ăn nhiều đường, mỡ động vật, gan, trứng, bơ, sữa, pho mát và các thực phẩm chế biến sẵn; uống nhiều rượu, bia.
Tiếp đến là chế độ sinh hoạt không lành mạnh, ít hoạt động thể lực, hút nhiều thuốc lá. Bên cạnh đó, nguyên nhân mắc bệnh còn do rối loạn về gen, có tính chất gia đình và rối loạn thứ phát do một số bệnh lý như đái tháo đường, suy giáp, hội chứng thận hư, xơ gan. Điều này giải thích tại sao không chỉ những người béo mà ngay cả những người gầy cũng bị rối loạn lipid máu. Nguyên nhân cuối cùng là do dùng một số thuốc gây rối loạn lipid máu như corticoid, thiazid, estrogen...
Nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa lipid máu ở người cao tuổi là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Ngoài ra, do người cao tuổi sức khỏe suy giảm, mắc một số bệnh mạn tính gây ra tình trạng rối loạn lipid máu.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Mỡ máu cao là một loại bệnh không gây tử vong ngay trong thời gian ngắn, tuy nhiên, những biến chứng của nó rất nguy hiểm. Theo bác sĩ Đỗ Doãn Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), lượng mỡ trong máu quá cao sẽ rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến hẹp động mạch, máu đi qua khó khăn hơn, làm giảm lượng máu tới các bộ phận trong cơ thể, bao gồm cả tim. Nếu không điều trị, về lâu dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng như bị mỡ đóng vào trong mạch máu tạo thành một mảng xơ vữa... gây tắc mạch máu và đây chính là nguyên nhân của bệnh đột quỵ.
Đặc biệt, người có mỡ máu cao thì tình trạng mạch máu bị bít, hẹp mạch máu nhiều hơn. Nếu xảy ra ở não thì gây ra tai biến mạch máu não. Nếu xuất hiện ở ruột sẽ gây tắc mạch máu nuôi ruột làm hoại tử ruột. Nếu xuất hiện ở tim sẽ gây ra nhồi máu cơ tim; ở chi gây tắc mạch máu chi... Như vậy, bệnh mỡ máu cao có thể gây ra 7 nguy cơ, đó là viêm tụy, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, đột quỵ, sa sút trí tuệ, đau và tê chân, bệnh gan. Do đó, khi bị máu nhiễm mỡ, nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Đỗ Doãn Lợi lưu ý, máu nhiễm mỡ không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh thường khó nhận biết. Nhiều trường hợp người bệnh chỉ phát hiện ra mình bị máu nhiễm mỡ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng. Đặc biệt, bệnh mỡ máu cao ở người trẻ tuổi thường diễn biến thầm kín và khó nhận biết hơn bệnh mỡ máu cao ở người già. Khi bị mắc bệnh rối loạn mỡ máu, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau tức ngực, tim đập nhanh, thở gấp...
Bệnh phát triển đến giai đoạn cuối sẽ gây ra những triệu chứng nguy hiểm như huyết áp cao, đau tim, xơ vữa động mạch... Một số trường hợp có ban vàng dưới da như da có những nốt phồng nhỏ bề mặt bóng loáng, màu vàng, mọc nhiều trên da mặt, khuỷu tay, bắp đùi, gót chân, lưng, ngực... to bằng đầu ngón tay không có cảm giác đau, ngứa.
Phòng bệnh như thế nào?
Thức ăn nhiều chất béo và cholesterol cao cộng với việc không tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, hút thuốc cũng là những yếu tố gây mỡ máu cao, vì vậy, PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, người bệnh rối loạn mỡ máu cần chế độ ăn giảm đạm, hạn chế ăn nội tạng động vật, chất béo có nguồn gốc từ động vật hoặc các loại dầu có axit béo no bão hòa. Bên cạnh đó, cần duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, hoạt động thể lực đúng cách giúp cải thiện mỡ máu. Nếu có chỉ định điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Để phát hiện sớm bệnh nên kiểm tra tình trạng mỡ máu định kỳ. Cụ thể, người trên 20 tuổi thực hiện kiểm tra mỡ máu từ 3-5 năm/lần, người trên 50 tuổi kiểm tra 6 tháng/lần. Đặc biệt, những người có thể trạng béo, những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành cần kiểm tra thường xuyên. PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh, máu nhiễm mỡ vốn là căn bệnh khó phát hiện và khó điều trị. Mỗi người cần tìm hiểu về bệnh lý nguy hiểm này để chủ động phòng bệnh. Bên cạnh đó, duy trì việc đi khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, hiệu quả chữa trị cao, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.