Bảo tồn hát Dô - "viên ngọc quý" của văn hóa dân tộc: Chữ “mong” biết mấy cho vừa
Văn hóa - Ngày đăng : 10:43, 01/08/2019
Sự sáng tạo tuyệt vời và cuộc hồi sinh đặc biệt
Hát Dô là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, xưa kia theo lệ định (tục hèm) thì 36 năm mới tổ chức một lần, gắn với lễ hội đền Khánh Xuân (thờ Tản Viên Sơn Thánh, diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội hát Dô cuối cùng diễn ra năm 1926. Đến năm 1990, sau 64 năm gián đoạn, hội hát Dô được mở lại theo chương trình khôi phục, bảo tồn vốn cổ về văn hóa, nghệ thuật của dân tộc.
Theo văn bản “Khánh Xuân điện thần tích”, đến năm Ất Mão (246 tr.CN) đã có trên 270 cơ sở thờ phụng thần Tản Viên. Vào ngày 12 tháng 9 (?), ngài đến Lạp Hạ (nay là xã Liệp Tuyết, xã Tuyết Nghĩa), thấy phong cảnh đẹp, gái trai hát hay liền cho dựng Xuân Ca cung để nghỉ ngơi và mở yến tiệc suốt 3 ngày. Ngài chia dân làm 6 giáp, đặt làm 6 bộ Xuân Ca phường, lại cử điển quan dạy hát. Hát Dô có trên 20 làn điệu có âm hưởng dân ca mang tính lễ nghi.
Trong lễ hội hát Dô, có sự kết hợp giữa âm nhạc và vũ đạo làm nên đặc sắc của một loại hình văn hóa tổng hợp. Từ tháng Tám âm lịch, cửa đền mở để dân làng làm lễ xin thánh cho mở sách hát, sao chép bài hát. Các thôn tuyển chọn các nam nữ không có “bụi” (tang ma, lao lý) vào tập hát. Trong đội hình múa hát, có 1 - 2 người làm “cái hát” (lĩnh xướng, chỉ huy), 8 - 20 nữ làm “con hát” (“bạn nàng”) để đồng ca và múa phụ họa. “Bạn nàng” tóc vấn đuôi gà, cổ đeo chuỗi hạt vàng, mặc áo năm thân đóng mớ ba, đi dép cong, cầm quạt. Trên ngón tay đeo nhẫn còn có một túi vải màu hình múi cam có tua chỉ ngũ sắc. “Cái hát” xướng, “con hát” vừa hát vừa múa phụ họa nội dung từng đoạn như chèo đò, bắn cung, hái hoa, dệt cửi... Lời ca khẩn cầu thánh ban phước lành, kể chuyện thiên nhiên, mô tả cảnh sinh hoạt...
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá: “Gỡ bỏ lớp vỏ huyền thoại thì hát Dô là sáng tạo tuyệt vời của con người. Hát Dô thực sự là viên ngọc quý trong di sản văn hóa dân tộc, cần được bảo tồn, lưu truyền và phát huy giá trị lâu dài”.
Thực tế những năm qua hát Dô đã trở thành trong những ví dụ sống động về khả năng phục hồi, khi người dân nơi đây với thôi thúc tự nhiên đã vượt lên nhiều khó khăn, đặc biệt là tục hèm “hát là chết” để hồi sinh điệu hát truyền thống quý báu. Tương truyền, sau khi mở hội hát Dô xong, phải cất tráp đựng sách thánh và cả khăn, váy áo, quạt, túi đeo tay đựng trầu và không nhắc đến việc hát nữa vì lời hèm. Nhiều thế hệ truyền nhau: “Con hát tuổi hạn hai mươi/ Nếu qua độ ấy thì thôi hát hò/ Bao giờ đến hội hát Dô/ Thì còn phải kiếm gái tơ chưa chồng”. Thực tế này khiến hát Dô thiếu cơ hội trao truyền cách thức tổ chức lễ hội, người phụ trách, tập luyện hát múa... dần bị mai một và đứng trước nguy cơ thất truyền.
Rất may, vốn cổ truyền đời ẩn sâu trong khát vọng đẹp đẽ khiến đâu đó trong tiềm thức người dân, tiếng hát vẫn cất lên. Một số người cao tuổi đã giúp con cháu ghi chép lại 36 làn điệu hát Dô cổ và cách hát, múa để làm “vốn liếng ban đầu”. Rồi Câu lạc bộ (CLB) Hát Dô Liệp Tuyết ra đời, không phải ngẫu nhiên thu hút các nguồn lực đầu tư từ nhà nước tới các tổ chức quốc tế. Nhưng, như bà Nguyễn Thị Lan, Chủ nhiệm CLB Hát Dô Liệp Tuyết bày tỏ, để thay đổi quan niệm, cách nghĩ của nhiều người về việc vượt lên tục hèm, sưu tầm, tập luyện những điệu hát cổ, khôi phục nghệ thuật truyền thống của quê hương là một quá trình rất dài và không hề dễ dàng.
Ước mong hồi sinh, lan tỏa vốn cổ
Hát Dô đã băng qua một chặng dài, trong đó có một bước ngoặt hồi sinh đáng kể bằng nội lực. Chính vì khả năng duy trì bền bỉ đặc biệt như vậy, việc tiếp sức cho hát Dô phát huy các giá trị trong đời sống văn hóa không chỉ có ý nghĩa riêng đối với loại hình này mà chắc chắn còn góp phần tác động mạnh tới công tác bảo tồn, khơi nguồn hàng loạt loại hình diễn xướng văn nghệ dân gian khác.
Đây cũng chính là mong mỏi lớn của các nghệ nhân dân gian, người dân yêu vốn cổ, các chuyên gia văn hóa nói chung, nhất là trong bối cảnh nguồn lực di sản văn hóa được xem là một trong các yếu tố nòng cốt cho thành phố sáng tạo của Hà Nội.
Nguyên tắc của thành phố sáng tạo là phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân. Nhìn lại chặng đường của hát Dô 30 năm qua, kể từ ngày lớp truyền dạy hát Dô đầu tiên được mở tại xã Liệp Tuyết, thấy rất rõ điều này: Đã có trên 1.000 lượt người địa phương tham gia luyện tập và biểu diễn, đưa hát Dô trở thành một trong những sinh hoạt được yêu thích nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây và giới thiệu nghệ thuật hát Dô trên nhiều sân khấu, hội diễn lớn ở Thủ đô và một số địa phương. Năm 2003, CLB Hát Dô Liệp Tuyết được công nhận là “Địa chỉ văn nghệ dân gian”. Ngoài đội văn nghệ của xã có nội dung tập luyện và biểu diễn hát Dô thì Trường THCS Liệp Tuyết cũng đã đưa hát Dô vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc cho học sinh...
Tuy nhiên, như thế là chưa đủ và hát Dô mang câu chuyện chung của nhiều loại hình diễn xướng dân gian khác khi luôn phải đối diện với nguy cơ thất truyền, cũng như không đủ tiềm lực để hồi sinh nguyên vẹn, sinh động và bền vững. Người dân địa phương, các nghệ nhân bày tỏ rõ mong muốn có ngày lễ hội hát Dô chính thức được mở lại; CLB Hát Dô sẽ là một địa chỉ văn hóa để giới thiệu điệu hát cổ độc đáo này đến đông đảo người dân trong nước và du khách quốc tế. Ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết cũng chia sẻ: “Ngay từ khi CLB Hát Dô ra đời 30 năm trước, địa phương đã đề nghị cấp trên đầu tư dài hạn, bài bản để hát Dô không chỉ được phục hồi mà còn phát huy giá trị trong đời sống đương đại”.
Mong muốn này là có cơ sở khi nhìn lại việc cuối năm 2018, CLB Chèo tàu xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) được Sở Văn hóa và Thể thao cùng Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội phối hợp đưa lên biểu diễn lần đầu tiên tại phố đi bộ, ngay lập tức được ghi nhận, đặc biệt thu hút du khách trong nước và quốc tế. Cũng năm ngoái, chuỗi chương trình “Về nguồn - trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội” do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các đơn vị nghệ thuật tổ chức nhằm giới thiệu và tạo cơ hội tương tác cho công chúng, nhất là giới trẻ với nghệ thuật chèo, hát xẩm, hát văn, múa trống bồng... đã tạo hiệu quả không ngờ.
Vấn đề của các CLB nghệ thuật truyền thống này đều nằm ở hai điểm, một là thu hút nguồn lực xã hội hóa, hai là tìm người để truyền nghề. Với hát Dô, theo thời gian, hầu hết số người trẻ đi học tập, công tác xa đã không còn gắn bó với CLB Hát Dô Liệp Tuyết nên việc thay đổi thành viên diễn ra thường xuyên, hiện chỉ có trên 20 người. Nhiều mô hình bảo tồn nghệ thuật diễn xướng truyền thống khác ở Thủ đô cũng phải đối diện với khó khăn này. Theo đó, cách giải quyết cũng tập trung vào mấy vấn đề là phải bảo tồn ngay từ trong đời sống cộng đồng, từ đó đa dạng cách thức giới thiệu, quảng bá, như đưa vào các cơ sở giáo dục, các mô hình văn hóa du lịch, các địa chỉ sân khấu ở Thủ đô...
Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cũng đưa vào chương trình hoạt động của mình kế hoạch thúc đẩy hoạt động của các CLB về diễn xướng dân gian của Hà Nội do Hội bảo trợ, trong đó có CLB Hát Dô Liệp Tuyết.
Diễn xướng dân gian có tính lan tỏa lớn, sức sống lâu bền, chở theo văn hóa ngàn đời, khả năng kết nối cộng đồng mạnh mẽ. Từ câu chuyện cụ thể của “viên ngọc văn hóa” hát Dô này, có thể tiếp tục nghĩ dài, nghĩ sâu hơn về việc bảo tồn hàng loạt loại hình khác, đánh thức dòng mạch ngầm văn hóa dân gian, bồi đắp và tạo nguồn lực về di sản văn hóa cho thành phố trên hành trình xây dựng thành phố sáng tạo.
GS.TS Kiều Thu Hoạch, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian:
Trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, sự kết hợp giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học và của cộng đồng dân cư luôn rất quan trọng và chỉ có như thế thì mới hiệu quả. Để xã hội hóa công tác này thì còn cần thêm sự tham gia tích cực của các doanh nhân. Với trường hợp cụ thể là bảo tồn nghệ thuật hát Dô thì phải đặc biệt chú ý tới vai trò của cộng đồng dân cư sở tại. Chỉ có ở đó thì hát Dô mới bộc lộ hết cái hay, cái đẹp nên người dân địa phương là chủ thể, là linh hồn của hội hát Dô. Các cấp, các ngành tạo điều kiện cho người dân làm tốt vai trò đó bằng cách điều tiết quản lý, hỗ trợ điều kiện hoạt động.
Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Kiên, hội viên CLB Văn nghệ sĩ xứ Đoài:
Trong các giải pháp bảo tồn nghệ thuật hát Dô thì việc trao truyền cho lớp trẻ từ lứa tuổi THCS là rất tốt. Vấn đề quan trọng là phải có những nghệ nhân hoặc giáo viên âm nhạc am hiểu nghệ thuật hát Dô để truyền dạy; phải nắm vững đặc điểm phát triển tâm sinh lý lứa tuổi, làm cho hát Dô trở thành nhu cầu và sở thích mang tính chất tự nguyện, tự giác với các em thì mới thành công.