Chủ trương thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô Hà Nội: Triển khai khi đủ điều kiện khả thi
Giao thông - Ngày đăng : 06:45, 01/08/2019
Báo Hànộimới đã ghi nhận một số ý kiến, nhấn mạnh việc cần nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến nhân dân và đặc biệt phải bảo đảm các điều kiện khả thi mới triển khai chủ trương này.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội:
Nghiên cứu kỹ, bảo đảm các điều kiện khả thi mới triển khai
Căn cứ Nghị quyết số 04/2017/ NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố Hà Nội về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến của Bộ Tài chính, tháng 5-2019, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận nguyên tắc đề nghị của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội và giao Sở chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện để nghiên cứu xây dựng Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.
Đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, quan điểm của Sở Giao thông - Vận tải là phải nghiên cứu kỹ, bảo đảm các điều kiện khả thi và chỉ triển khai thực hiện khi có đủ điều kiện. Hiện nay, Sở mới đưa ra nguyên tắc để nghiên cứu, chưa có phương án cụ thể. Lộ trình thực hiện Đề án qua 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2019-2020 xây dựng đề án, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Giai đoạn 2020-2030 căn cứ vào đề án được phê duyệt sẽ phân công cụ thể tổ chức thực hiện.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội:
Việc cần làm, nhưng nên lấy ý kiến nhân dân để tạo sự đồng thuận
Thực hiện thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là một chủ trương lớn, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội để bảo đảm an sinh cho người dân.
Để đạt hiệu quả cao, việc triển khai xây dựng Đề án cần nghiên cứu một cách khoa học, bài bản. Ngoài lấy ý kiến của lái xe, hành khách cũng cần tham khảo ý kiến của nhân dân để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đặc biệt, cần xét đến tổng thể của các đề án giao thông công cộng, xây dựng hạ tầng, quy hoạch và thực hiện quy hoạch.
Thực tế cho thấy, việc thu phí giao thông vào nội đô nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường được các nước trên thế giới thực hiện từ lâu. Từ thu phí theo giờ, thu vào giờ cao điểm buộc người tham gia giao thông phải tự đưa ra bài toán kinh tế, thời gian di chuyển để không phải mất phí.
Đơn cử như ở Singapore, áp dụng phương án thu phí giao thông vào nội đô giờ cao điểm, để tránh mất phí, người dân đã đi sớm hơn hoặc muộn hơn giờ quy định. Do đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền là rất quan trọng để người dân nâng cao ý thức, tự giác thực hiện, góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Ông Trần Ngọc Toán, 40 năm tuổi Đảng, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 2 phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm):
Cần bảo đảm tính khách quan
Tôi thấy chủ trương thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô của thành phố là đúng và rất cần thiết. Bởi thực tế, trong khi lượng xe ô tô đăng ký mới ở nội đô không ngừng tăng, hằng ngày, lượng xe “đổ” vào thành phố tới hàng vạn lượt, càng tạo thêm gánh nặng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và nguy cơ tai nạn.
Theo tôi, đối với việc thu phí, nên quy định các mức thu khác nhau như có thể nghiên cứu mức phù hợp từng đối tượng, loại phương tiện... Chẳng hạn, nếu là xe làm công vụ, xe cứu trợ nhân đạo, cứu thương, hay xe chở công nhân viên chức thì mức phí phải thấp hơn các xe hợp đồng du lịch hay chở hàng hóa kinh doanh, dịch vụ. Đặc biệt, việc quản lý thu phí nên quy về một mối bảo đảm yếu tố công khai, minh bạch và hiệu quả.
Ông Lê Đức Tiết, đảng viên 70 năm tuổi Đảng, phường Điện Biên (quận Ba Đình):
Xác định rõ đối tượng, phạm vi và phương pháp điều chỉnh liên quan đến thu phí
Tôi được biết, ở các nước có hai phương pháp chính chống ùn tắc giao thông.
Một là phân bố dân cư đồng đều trong cả nước và bằng cách chuyển đổi các đô thị thành các trung tâm mang tính riêng biệt như trung tâm hành chính, chính trị, trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa (được xem là biện pháp hàng đầu); tuyên truyền, khuyến khích, kể cả việc miễn phí cho người dân khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Phương pháp thứ hai là tăng thuế mua, tặng ô tô, tăng phí giao thông đối với chủ sở hữu phương tiện cơ giới. Do đó, về chủ trương của thành phố Hà Nội sẽ thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô, theo tôi, cần xác định rõ đối tượng, phạm vi và phương pháp điều chỉnh liên quan đến việc thu phí.
Xung quanh vấn đề này, việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân là rất quan trọng, làm cơ sở cho chủ trương được thông qua và đi vào cuộc sống đạt hiệu quả tốt nhất.