Giúp những mảnh đời lầm lỡ hướng thiện

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:48, 02/08/2019

(HNM) - Tại Thủ đô Hà Nội, có những người phụ nữ, dù bận nhiều việc nhưng vẫn thầm lặng lo toan cho những mảnh đời lầm lỡ. Không qua bất cứ một trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào, nhưng bằng tình yêu thương và trách nhiệm, họ đã cảm hóa, giúp những mảnh đời lầm lỡ hướng thiện, tái hòa nhập cộng đồng, đem lại sự yên ấm cho nhiều gia đình, góp phần giữ bình yên cho xã hội.

Cảm hóa bằng lòng chân thành

Đến thăm cửa hàng của anh Nguyễn Đức Cường, bà Vũ Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường, Đội trưởng Đội Công tác xã hội tình nguyện phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) ân cần hỏi thăm như người thân trong gia đình. Anh Cường là người đã từng một thời sa đà vào ma túy, một trong 6 thanh niên được bà Thúy giúp đỡ, quay trở về cuộc sống lương thiện.

Bà Vũ Thị Thanh Thúy (bên trái) và bà Kiều Thị Phương trao đổi công việc giúp đỡ người sau cai nghiện.

Cách đây 12 năm, bà Thúy tham gia công tác tại Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ phường Quan Hoa và được cử làm Đội trưởng Đội Công tác xã hội tình nguyện phường. Bà Thúy nhớ lại: “Lúc đầu tôi rất lo, trăn trở với những câu hỏi: Làm thế nào để vận động và thuyết phục được các cháu ra sinh hoạt Câu lạc bộ B93? Làm thế nào để tiếp cận các gia đình và đối tượng mắc nghiện...?”.

Bằng tình cảm và sự tận tâm, bà Thúy nhận thấy, chỉ có lao động chân chính, có việc làm ổn định, bảo đảm đời sống mới giúp người sau cai không tái nghiện. Với trường hợp anh Cường, sau khi cai nghiện ma túy trở về, bà Thúy tìm đến trò chuyện, nắm bắt thông tin, vận động thuyết phục anh ra sinh hoạt Câu lạc bộ B93. Đồng thời động viên mẹ anh Cường đứng tên vay vốn thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ để anh mở cửa hàng rửa xe. Nhờ có công việc ổn định, bớt khó khăn, anh Cường thêm quyết tâm tránh xa ma túy. Với sự nỗ lực của mình, anh đã gặp một cô gái chấp nhận hoàn cảnh và kết hôn. Đến nay, họ đã có một cậu con trai kháu khỉnh. Bà Thúy tâm sự: “Tuy công việc không hề đơn giản, nhưng chúng tôi rất vui khi giúp đỡ được một người không tái nghiện”.

Có thâm niên gần 20 năm tiếp xúc với người nghiện, hơn ai hết bà Trần Ngân Hoa, Đội trưởng Đội Công tác xã hội tình nguyện, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) hiểu rõ về tính chất nguy hiểm và cái giá đắt mà ma túy gây ra đối với sức khỏe, tính mạng và cả danh dự của những ai đã mắc nghiện. Vì thế, người phụ nữ ngoài 70 tuổi này nhiều năm qua vẫn cần mẫn giúp đỡ những người sau cai nghiện. Nói về cái "duyên" đến với Đội Công tác xã hội tình nguyện, bà Hoa kể: “Thời điểm đó, trên địa bàn phường có nhiều người nghiện ma túy. Trong một lần đi dự hội nghị về ma túy, tôi được tặng chiếc áo do các cháu ở trung tâm cai nghiện may. Tôi rất cảm động và từ đó quyết tâm giúp đỡ những thanh niên lầm lỡ”.

Trên địa bàn mình phụ trách, có bao nhiêu đối tượng, tính cách, hoàn cảnh ra sao, bà Hoa đều thuộc lòng. Bà Hoa bày tỏ: “Mỗi người nghiện có một hoàn cảnh khác nhau, có người lười lao động, có người bị vợ con hắt hủi…”. Chính vì thế, bà Hoa phải tìm phương pháp thuyết phục, cách tiếp cận riêng với từng trường hợp, bởi nếu không phù hợp sẽ không thể thay đổi được nhận thức của những người từng lầm lỡ. Bí quyết của bà Hoa là: “Luôn giữ thái độ mềm mỏng, thường xuyên đi lại thăm hỏi, không quản thời gian sớm tối, như thế mới thuyết phục họ nghe theo mình”. 

Mở rộng vòng tay nhân ái

Là phụ nữ nên khi tham gia Đội Công tác xã hội tình nguyện, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 để tiếp cận, giúp đỡ người nghiện, họ đều phải vượt qua nhiều khó khăn, rào cản.

Bà Đỗ Thị Luyện, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 phường Trung Phụng (quận Đống Đa) đã cảm hóa, giúp đỡ nhiều người sau cai nghiện sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Trong quá trình rèn luyện của từng người, bà luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ, từ đó có biện pháp hỗ trợ vay vốn hoặc giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng, giúp người sau cai nghiện sớm ổn định cuộc sống, tránh tái nghiện.

Chia sẻ về việc này, bà Luyện nói: “Trước đây tôi cũng sợ lắm, nhưng gặp các cháu, thấu hiểu hoàn cảnh và mong muốn của chúng, tôi thấy thương các cháu nhiều hơn. Mình cần mở rộng vòng tay nhân ái đón nhận và kiên trì giúp đỡ những người có quá khứ lầm lỗi, để họ sớm từ bỏ chỗ tối, tìm về chỗ sáng, phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng”.

Cùng với bà Vũ Thị Thanh Thúy, ở phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) còn có bà Kiều Thị Phương, Tổ trưởng tổ dân phố 12, Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 phường, gần 10 năm qua, không ngại ngần gặp gỡ, giúp đỡ người nghiện. Bà chia sẻ: “Đối với những người nghiện ma túy, sau khi cai nghiện trở về với cộng đồng, họ mang trong mình nỗi mặc cảm rất lớn. Vì vậy, để cảm hóa được họ, không chỉ hiểu, sẻ chia mà còn phải làm bạn với họ, mang đến cho họ niềm tin. Không có một công thức chung nào để nói về việc này, với mỗi người, mỗi đối tượng, tôi lại có một cách tiếp cận khác nhau. Tôi áp dụng biện pháp “mưa dầm thấm lâu”, gần gũi, chân thành, dùng tình yêu thương để giúp họ vượt qua bóng tối”.

Theo bà Phương, khó khăn trong việc giúp người sau cai không ít, nhưng nếu vẫn còn người nghiện thì không những gia đình khổ, mà còn ảnh hưởng xấu đến cả cộng đồng. Vì thế, không chỉ hỗ trợ để họ tìm được việc làm, ổn định đời sống, không tái nghiện, mà bằng tấm lòng nhân hậu, bà Phương còn đỡ đầu nhiều con của người nghiện ma túy, giúp đỡ những bà mẹ có con lầm lỡ.

Như bà Đàm Thị Thịnh ở ngõ 68, phố Quan Hoa có 4 người con, chồng mất sớm. 3 người con của bà đều đã chết vì nghiện ma túy, một người đang đi cai nghiện. Một mình bà Thịnh đi bán rau nuôi cháu nội suốt 17 năm nay. Khi được hỏi về bà Phương, bà Thịnh nói: “Bà Phương tốt lắm, giúp đỡ bà cháu chúng tôi rất nhiều. Bao năm nay, bà Phương xin giảm học phí cho cháu tôi, chứ không thì cháu không thể học đến lớp 12 như bây giờ”.

Còn chị Đặng Thị Lý vợ anh Nguyễn Đức Cường, mỗi khi nhắc về bà Thúy, không giấu được sự cảm phục và biết ơn: “Không có bà Thúy thì chúng tôi không có ngày hôm nay. Chúng tôi luôn coi bà Thúy như người thân trong gia đình. Bây giờ, chồng tôi đã đoạn tuyệt hẳn với ma túy, chăm chỉ làm ăn, lo cho gia đình”.

Với những nữ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ người nghiện như bà Hoa, bà Thúy, bà Phương...; họ luôn vì mục tiêu để tất cả mọi gia đình không phải chịu cảnh buồn đau do có người thân sa vào các tệ nạn xã hội. Những đóng góp lặng lẽ của họ đã, đang và tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho những người lầm lỡ biết từ bỏ quá khứ để làm lại cuộc đời.

Dương Linh