Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực lập lại trật tự vỉa hè
Đời sống - Ngày đăng : 10:55, 05/08/2019
Tình hình lấn chiếm vẫn phức tạp
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới vào một buổi tối cuối tháng 7-2019 cho thấy, tại các hàng quán chạy dọc hai bên đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp), nhân viên bày rất nhiều bàn ghế, bảng hiệu trên vỉa hè. Hàng quán san sát, tạo thành “phố ăn nhậu” nhộn nhịp. Ban đầu, mọi thứ nằm “khép nép” bên trong vạch quy định giới hạn.
Nhưng càng về khuya, khi lượng khách đông hơn, bàn ghế được kê lấn dần, chiếm trọn vỉa hè. Không chỉ bày bàn ghế, nhiều quán còn dựng xe của khách ăn nhậu bít hết lối dành cho người đi bộ.
Tương tự, trên hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa nằm ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thuộc các quận 3, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh), hàng quán mọc lên như nấm. Toàn bộ phần vỉa hè trước các quán này đều được tận dụng làm nơi đỗ xe cho khách.
Tại quận Bình Tân lâu nay cũng tồn tại 3 điểm nóng về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gồm: Khu vực quanh Công ty Pouyuen (phường Tân Tạo); đường Bình Trị Đông (phường Bình Trị Đông A) và đường Lê Văn Quới (phường Bình Hưng Hòa A).
Ông Nguyễn Kiên Giang, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân cho biết, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, từ tuyên truyền vận động đến xử lý nghiêm khắc vi phạm, nhưng đâu vẫn hoàn đó.
Lâu nay, rất dễ nhận thấy tình trạng chung ở các điểm nóng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường toàn thành phố là: Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, các chủ quán nhanh chóng dọn ngay bàn ghế, xe cộ lấn chiếm mặt bằng; khi lực lượng rời đi, mọi thứ lại như cũ. Ngay ở trung tâm quận 1 cũng có nhiều tuyến đường bị người dân lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, có thời điểm các ban, ngành, đoàn thể của quận đã triển khai rất quyết liệt việc xử lý vi phạm lòng đường, vỉa hè, nhưng vì chưa thể tiến hành thường xuyên bởi áp lực lớn từ sự đối phó, phản ứng của các hộ kinh doanh và chủ phương tiện vi phạm... nên kết quả chưa được như kỳ vọng.
Từng bước lập lại trật tự
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, các cấp, các ngành thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều cách làm mới, hiệu quả thực chất, tiến tới xóa triệt để tình trạng xử lý vi phạm kiểu "bắt cóc bỏ đĩa" như thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố Hồ Chí Minh, một trong những điểm quan trọng để giải quyết vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở. Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về việc bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn mình quản lý.
Đang trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường trên địa bàn, ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp chợt dừng câu chuyện vì tiếng "tinh tinh" trong điện thoại di động. Giải quyết xong vụ việc, ông Lê Hoàng Hà chia sẻ có một người dân trên đường Đặng Văn Sâm đã gửi đến hình ảnh một hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường qua ứng dụng "Gò Vấp trực tuyến".
"Tương tác trên điện thoại di động, tôi đã yêu cầu lực lượng chức năng của quận cùng phường sở tại xem xét để giải quyết ngay vụ việc", ông Lê Hoàng Hà cho hay.
Sự việc nêu trên chỉ là một trong những tiện ích của ứng dụng "Gò Vấp trực tuyến" mà chính quyền quận đang thử nghiệm. Với ứng dụng này, người dân và chính quyền có thể tương tác mọi lúc mọi nơi, thông qua các thiết bị di động, từ hỗ trợ thủ tục hành chính, đến thông báo, phản ánh các vấn đề dân sinh.
Ứng dụng trực tuyến mà quận Gò Vấp đang thử nghiệm là sự tiếp nối những thành công mà quận Bình Thạnh triển khai đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 4-2017. Đến nay, "Bình Thạnh trực tuyến" đã có 16.000 lượt tải về thiết bị di động. Các cấp chính quyền quận đã nhận được hơn 13.000 lượt người dân phản ánh về trật tự đô thị, từ đó có phương án xử lý kịp thời và hiệu quả hơn. Hiện ứng dụng này đã được nhân rộng ra 13 quận, huyện khác của thành phố, mang lại những kết quả ban đầu khả quan.
Ngoài ra, toàn thành phố đang có khoảng 37.000 camera an ninh, hỗ trợ cho các lực lượng chức năng nắm bắt diễn biến, ghi hình và xử lý vi phạm an ninh trật tự xã hội, trong đó có xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Một cách làm khác cũng đang phát huy hiệu quả, đó là việc sắp xếp người bán hàng rong vào khu vực tập trung để quản lý. Điển hình là quận 1 đã dành khu công viên Bách Tùng Diệp và đường Nguyễn Văn Viêm cho các hộ kinh doanh vốn trước đây chiếm dụng vỉa hè ở nhiều tuyến phố. Ở quận 5 là một đoạn đường Triệu Quang Phục, còn ở quận Tân Bình là khu vực chợ Phạm Văn Hai vào các buổi tối…
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng trong thời gian tới phải tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng, kết quả triển khai các giải pháp xử lý vi phạm vỉa hè, lòng đường tại địa phương. Qua đó, có điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng kế hoạch phù hợp thực tế tình hình trong chấn chỉnh, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám sát, quản lý địa bàn...