Nỗi lo cháy, nổ chung cư cũ
Đời sống - Ngày đăng : 11:05, 05/08/2019
Mới đây, ngày 11-7-2019, người dân sống tại chung cư Cao Thắng (số 931-937 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5) bỗng giật mình bởi tiếng nổ chát chúa vang lên trong tòa nhà. Ngọn lửa bao trùm một căn hộ tại tầng 5 của chung cư khiến 28 người ở tầng 5 và các tầng trên bị mắc kẹt. Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thành phố đã phải dùng xe thang giải cứu các nạn nhân. Các bác sĩ tại bệnh viện chấn thương chỉnh hình kế bên tòa nhà đã phải sơ tán nhiều bệnh nhân ra vùng an toàn. Tuy vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng lực lượng chức năng đã rất vất vả để khống chế ngọn lửa, bởi lối lên căn hộ chật hẹp, ban công phía ngoài bị bịt lưới sắt...
Các chung cư cũ như chung cư Cao Thắng kể trên nằm rải rác khắp khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh. Tại quận 3, đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, trên địa bàn quận hiện có 49 chung cư cũ. Phần lớn trong số này là những chung cư nhỏ, xây dựng từ trước năm 1975 trên diện tích đất từ 500m2 đến dưới 1.000m2, không bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy, không có hệ thống chữa cháy vách tường theo các quy định hiện hành.
Còn tại quận Bình Thạnh, cư xá Thanh Đa qua gần 50 năm sử dụng đã xuống cấp trầm trọng về mọi mặt. Nhiều hộ dân đã tự ý cải tạo, cơi nới thêm nhà cửa, ban công... khiến kết cấu toàn nhà thêm kém bền vững. Lối đi lại chật hẹp, hành lang và không gian chung bị lấn chiếm, hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại cư xá này không đủ. Sẽ rất nguy hiểm khi có cháy, nổ xảy ra tại đây.
Ngay trung tâm quận 1 cũng có nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, không có lối thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ... mà chung cư 155-157 trên phố Bùi Viện là ví dụ điển hình. 76 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu sống ở 6 tầng chung cư này rất lo lắng. Bà Trần Thị Thanh Thảo 62 tuổi cho biết, gia đình bà có bốn người, đã sống ở chung cư này gần 40 năm nay. "Nếu có cháy, cả nhà tôi không biết chạy đằng nào", bà Thảo nói.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố có 474 chung cư được xây dựng, đưa vào hoạt động trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy ra đời năm 2001. Những chung cư này hiện xuống cấp, không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Khi có cháy nổ xảy ra, thiệt hại về người và tài sản sẽ rất cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hồ Chí Minh cho hay, HĐND thành phố đã tổ chức nhiều cuộc giám sát về tình hình an toàn, phòng cháy tại các chung cư cũ. Kết quả cho thấy hầu hết chung cư cũ ở thành phố đều không bảo đảm điều kiện phòng cháy, chữa cháy. Các chung cư này quá cũ nên không có hệ thống chữa cháy, vòi nước tự động. Khả năng tự chữa cháy tại chỗ của người dân cũng còn nhiều hạn chế… HĐND thành phố đã đề nghị Sở Xây dựng nhanh chóng rà soát hiện trạng các chung cư cũ để đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Đối với những chung cư cũ được xếp loại nguy hiểm cấp độ D cần phải có phương án di dời.
Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hồ Chí Minh (PC07) cho biết, tính từ đầu mùa khô năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 100 vụ hỏa hoạn, trong đó có nhiều vụ gây thiệt hại lớn về tài sản. Các chung cư cũ tại thành phố đều được xây dựng trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy ra đời nên không được thẩm duyệt, nghiệm thu về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Dự kiến thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai quy hoạch ngành phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2 (2021-2025) với tổng kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng để hạn chế phần nào nguy cơ cháy nổ tại thành phố.