Mới có gần 28% doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 17:25, 05/08/2019
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, từ đầu năm đến hết quý II-2019, có 6 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó chỉ có 1/18 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tính lũy kế đến hết quý II-2019, cả nước mới có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa (gần 28%), còn 92/127 doanh nghiệp (hơn 72%) phải cổ phần hóa theo công văn trên.
Về tình hình thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến hết quý II-2019, có 9/62 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg đã thực hiện thoái vốn, với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng. Tổng số thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2019 là 2.092 tỷ đồng, thu về 3.831 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến hết quý II-2019, thoái 24.157 tỷ đồng, thu về 169.787 tỷ đồng.
Việc bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, giai đoạn 2017-2020 các bộ, ngành, địa phương phải chuyển giao về SCIC 62 doanh nghiệp (4 doanh nghiệp năm 2017, 55 doanh nghiệp năm 2018, 3 doanh nghiệp năm 2019). Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 2 doanh nghiệp bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC; số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 29 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng.
Về vấn đề cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, cả nước còn gần 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với số lượng lao động hơn 2,5 triệu người. Tuy nhiên, đến năm 2018, số lượng cổ phần hóa chỉ được trên 50 đơn vị, chưa đạt 0,09% số đơn vị sự nghiệp công lập đang hoạt động. Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, đơn vị sự nghiệp công lập khác với doanh nghiệp nhà nước, có đặc thù riêng nên đây là một trong những hạn chế trong quá trình thực hiện cổ phần hóa.
Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần được điều chỉnh. Đó là, chưa có quy định chặt chẽ về nghĩa vụ tiếp tục cung cấp dịch vụ công của doanh nghiệp chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập nếu doanh nghiệp không tiếp tục cung cấp dịch vụ công hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chưa quy định cơ chế giám sát, tổng hợp báo cáo về tình hình cung cấp dịch vụ công của các doanh nghiệp này…