Đề xuất nâng mức trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật
Đời sống - Ngày đăng : 14:27, 06/08/2019
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi, trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên; có 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
So với tổng dân số, người cao tuổi chiếm 11,95%; người khuyết tật chiếm 6,5%. Đa số người cao tuổi, người khuyết tật cần được trợ giúp về nhiều mặt.
Ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội, nội dung giải trình của đại diện các bộ, ngành chức năng cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật ở nước ta hiện nay tương đối đầy đủ, từng bước được hoàn thiện.
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, đa số người cao tuổi, người khuyết tật được thụ hưởng các chính sách trợ giúp.
Đến thời điểm này, cả nước đã cấp giấy xác nhận khuyết tật cho hơn 1,5 triệu người; giải quyết chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng cho khoảng 1,7 triệu người cao tuổi, khoảng 1,1 triệu người khuyết tật tại cộng đồng.
100% người cao tuổi, người khuyết tật thuộc đối tượng được trợ giúp xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố đã đưa 20.000 người cao tuổi, người khuyết tật vào nuôi dưỡng, chăm sóc thường xuyên tại các cơ sở bảo trợ, trợ giúp xã hội…
Đối với những người còn khả năng lao động, các ngành, địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho họ hòa nhập cộng đồng thông qua chính sách ưu đãi về giáo dục, việc làm, nguồn vốn… Nhờ đó, cuộc sống của người cao tuổi, người khuyết tật dần ổn định, phát triển.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật còn bộc lộ những bất cập, hạn chế. Đáng lưu ý, mức trợ cấp đối với người cao tuổi, người khuyết tật còn thấp, hiện mới bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo ở thành thị và 40% chuẩn nghèo ở nông thôn.
Các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Các cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm toàn diện đến người cao tuổi, người khuyết tật, thậm chí có chỗ, có nơi, việc tổ chức các hoạt động trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật còn mang tính phong trào, nên hiệu quả chưa cao…
Để người cao tuổi, người khuyết tật có nhiều cơ hội nâng cao mức sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, các đại biểu tham gia phiên giải trình thống nhất kiến nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật; quan tâm hơn trong việc quyết định phân bổ ngân sách hằng năm dành cho các hoạt động trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật.
Với Chính phủ, các đại biểu mong muốn Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội dành cho người cao tuổi, người khuyết tật; ban hành chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030.
Các chính sách trợ giúp cần linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, tạo điều kiện cho người cao tuổi, người khuyết tật còn khả năng lao động tích cực tham gia vào thị trường lao động; đồng thời có thể ứng phó với giai đoạn già hóa dân số trong tâm thế chủ động.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật; xóa bỏ các rào cản, mặc cảm đối với người khuyết tật; vận động các tổ chức, cá nhân chung tay, giúp đỡ người cao tuổi, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn…
Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ghi nhận, tiếp thu các ý kiến phản ánh, kiến nghị, đề xuất của đại biểu để tập hợp thành văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Đó là căn cứ để các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật; đồng thời, triển khai các quy định này theo hướng linh hoạt, hiệu quả.